Thưa ông, nhiều dịch bệnh đang xuất hiện cùng lúc và có nguy cơ lây lan sau thời gian gián đoạn nhiều vaccine. Vậy để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho người dân, việc đảm bảo vaccine của Hà Nội hiện nay như thế nào?
Hiện nay số lượng vaccine của Hà Nội đã tương đối đầy đủ cho tất cả các loại bệnh truyền nhiễm đã có vaccine, được Bộ Y tế cho phép nhập khẩu vào Việt Nam.
Những vướng mắc trong đấu thầu vaccine đã dần được giải quyết. Đến nay, chúng tôi đã mua sắm và được cung ứng các loại vaccine.
Tuy nhiên, hiện một số loại vaccine vẫn còn khan hiếm trên thị trường toàn quốc, chúng tôi đang phải chờ và sẽ tiếp tục mua sắm khi có được nguồn cung, tùy theo tình hình chung.
Nhờ đã đảm bảo được việc mua sắm vaccine, phòng Tiêm chủng của CDC Hà Nội cũng mới được mở cửa trở lại sau một thời gian gián đoạn để phục vụ nhu cầu tiêm chủng cho người dân. Trung tâm hiện có hai dây chuyền tiêm chủng, đáp ứng cho khoảng 200 lượt tiêm; với các vaccine hiện có gồm: Vaccine lao; vaccine uốn ván hấp phụ; “6 trong 1” (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, Hib); vaccine tiêu chảy do rota virus; vaccine sởi, quai bị, rubella; vaccine thuỷ đậu; vaccine viêm não Nhật Bản B; vaccine cúm; vaccine phòng các bệnh do phế cầu khuẩn; vaccine viêm gan A, viêm gan B và các bệnh do HPV...
Vừa qua thủ tục mua sắm vaccine có nhiều khó khăn, dẫn tới nhiều loại vaccine bị thiếu, gián đoạn, Hà Nội đã giải quyết như thế nào để có thể mua sắm được vaccine đảm bảo phòng bệnh cho người dân, thưa ông?
Vừa qua, CDC Hà Nội đã thực hiện mua sắm vaccine theo cơ chế xây dựng kế hoạch mua sắm và UBND TP Hà Nội phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, chúng tôi mới tổ chức tiến hành các công đoạn tiếp theo của việc đấu thầu.
Để có thể mua sắm, phải mất một khoảng thời gian tương đối dài xây dựng kế hoạch từ tháng 8/2023, nhưng đến cuối năm 2023 mới tổ chức mua sắm được.
Giai đoạn đầu tiên, trung tâm phải lập kế hoạch mua sắm vaccine và áp dụng theo Luật Đấu thầu cũ. Tuy Luật Đấu thầu mới năm 2022 đã có hiệu lực, nhưng cũng chưa có đầy đủ các nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể về mua sắm vaccine. Trung tâm mong muốn Bộ Y tế sớm ban hành thông tư, nghị định hướng dẫn cụ thể chi tiết về việc mua sắm vaccine hiện nay.
Bên cạnh đó, các vaccine, sinh phẩm cần được đưa ra khỏi danh mục đấu thầu tập trung để thuận lợi hơn. Bởi, hiện nay thị trường vaccine không đơn giản như thị trường thuốc, có những thời điểm vaccine khan hiếm hoặc có những thời điểm vaccine về nhiều, nhưng lại không trùng với thời điểm đề xuất mua sắm, nên cũng khó mua.
Hiện nay, nhu cầu tiêm chủng của người dân như thế nào, việc tuyên truyền để người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, tạo hàng rào miễn dịch để phòng các dịch bệnh lây lan được thực hiện ra sao, thưa ông?
Hiện nay, công tác tiêm chủng mở rộng ở TP Hà Nội đang triển khai khá hiệu quả; bên cạnh vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, với dân cư khu vực nội thành, có đến tới 70 - 80% có nhu cầu sử dụng vaccine dịch vụ. Vaccine dịch vụ hay vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng có hiệu quả phòng bệnh như nhau. Tuy nhiên, đa số người dân trong nội thành chọn vaccine dịch vụ để tiêm chủng cho con em mình.
Trong thời điểm hiện nay, nhiều dịch bệnh có thể quay trở lại, tại các điểm tiêm chủng của CDC Hà Nội, chúng tôi nỗ lực cung ứng đầy đủ các mũi vaccine, các loại vaccine cho trẻ phòng bệnh, đặc biệt thời điểm hiện nay vẫn đang có những loại dịch bệnh có thể quay trở lại.
Hiện, các vaccine đã được cung ứng đầy đủ, người dân cần kiểm tra lại các mũi tiêm của con em. Nếu chưa tiêm đủ mũi hoặc chưa tiêm đầy đủ các mũi vaccine theo đúng lịch, độ tuổi, cần đưa trẻ đi tiêm chủng ngay để phòng tránh tất cả các bệnh truyền nhiễm đã có vaccine. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, các dịch bệnh như: Sởi, ho gà, thủy đậu đang trong giai đoạn có thể gia tăng; việc nâng cao được tiêm chủng sẽ giúp trẻ có miễn dịch phòng bệnh.
Xin trân trọng cảm ơn ông!