Hôm nay (10/7), Việt Nam chính thức phát động chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử. Đối tượng tiêm lần này là cho tất cả người dân trong độ tuổi trên 18 tuổi. Thời gian diễn ra chiến dịch tiêm chủng dự kiến từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022.
Trao đổi về kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Trong công tác tiêm chủng, vấn đề an toàn được đảm bảo tối đa cho người được tiêm với phương châm “tiêm đến đâu an toàn đến đó". Mục tiêu lớn nhất của chiến dịch là tổ chức tiêm chủng cho người dân trong độ tuổi tiêm chủng nhiều nhất, nhanh nhất để bảo vệ sức khoẻ và tính mạng của người dân".
Theo đó, chiến dịch lần này có nhiều điểm thay đổi so với chương trình tiêm chủng quốc gia lâu nay của nước ta và đã đang thực hiện.
Cụ thể, về vấn đề vận chuyển, phân phối, bảo quản vaccine, hiện nay hệ thống bảo quản hoàn toàn mới đã được thiết lập, dựa vào lực lượng quân đội. Vaccine sẽ được bảo quản tại các kho của các Quân khu mà Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế đã phối hợp thiết lập đạt tiêu chuẩn bảo quản GSP. Vaccine sẽ được vận chuyển từ đây đến tất cả các điểm tiêm ở các quận, huyện của các địa phương một cách nhanh nhất mà vẫn đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng vaccine.
Về nhân lực, Bộ Y tế đã huy động một lực lượng lớn để tổ chức tiêm chủng tại tất cả các điểm tiêm di động, cố định, dựa vào mạng lưới hệ thống y tế cơ sở của dân sự và y tế của quân đội, công an để triển khai đồng loạt công tác tiêm chủng.
Đặc biệt, để đảm bảo an toàn tối đa cho người tiêm chủng, phải bảo đảm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”. Công tác khám sàng lọc, theo dõi, giám sát chặt chẽ sức khoẻ sau tiêm được triển khai trên toàn tuyến. Cùng với đó, các chuyên gia đầu ngành về nhiều lĩnh vực của điều trị, dự phòng luôn sẵn sàng hỗ trợ tất cả các điểm tiêm để có thể xử lý mọi việc kịp thời. Bộ Y tế đã sửa tất cả các hướng dẫn chuyên môn trên nguyên tắc đảm bảo cho người tiêm.
Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vaccine cũng đã thành lập Tiểu ban giám sát chất lượng tiêm chủng, hoạt động mang tính chất độc lập tương đối để giám sát mọi hoạt động của quy trình tiêm chủng từ vận chuyển, bảo quản, phân bổ và tiêm chủng.
Trong chiến dịch tiêm chủng lần này, còn có sự phối hợp một cách chặt chẽ và đẩy mạnh ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng. Đáng lưu ý nhất là ứng dụng “Sổ Sức khoẻ điện tử” với các thông tin về tiêm chủng như đăng ký tiêm chủng, nhật ký tiêm chủng, theo dõi sau tiêm… Từ đó hình thành nên mã số cho mỗi người dân đã tiêm để cấp QR Code. Mã QR Code chính là căn cứ để đảm bảo “hộ chiếu vaccine” sau này.
Bộ Y tế cũng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông để xây dựng một nền tảng ứng dụng trong tiêm chủng và xét nghiệm COVID-19.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, mục tiêu "đạt bao phủ vaccine cho 70% người dân, đối với người trên 18 tuổi", đã được đặt ra ngay từ đầu. Sau khi tính toán, Bộ Y tế đã trình Bộ Chính trị, Chính phủ Nghị quyết về vấn đề tiêm vaccine; Việt Nam đang cố gắng để mua 150 triệu liều vaccine tiêm cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay, do mức độ khan hiếm của vaccine toàn cầu, nên dù đã có những hợp đồng mua từ tháng 11/2020, có những cam kết thoả thuận từ tháng 9/2020 nhưng đến nay chúng ta mới có vaccine để tiêm cho người dân. Dự kiến từ sau tháng 9/2021, lượng vaccine về Việt Nam sẽ nhiều hơn, tăng độ bao phủ với người dân.
Theo đó, đây chính là lý do tại sao Nghị quyết của Chính phủ lại quy định về ưu tiên tiêm vaccine, trước hết ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, cho những địa phương có dịch và những địa bàn tuyến đầu về phát triển kinh tế xã hội để đảm bảo đạt được mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng khẳng định, người dân sẽ được tiêm chủng miễn phí trong chiến dịch lần này.