Đây là đợt thanh tra chuyên đề diện rộng. Bên cạnh kiến nghị xử lý các vụ việc, sự việc có dấu hiệu thiếu sót, sai phạm, cơ quan Thanh tra đã có nhiều kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện các quy định, hành lang pháp lý liên quan tới lĩnh vực vừa có vai trò đặc biệt quan trọng, vừa có tính đặc thù này.
Chuyển biến lớn trong khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân
Kết luận thanh tra nêu rõ giai đoạn từ 2014 đến nay, ngành Y tế Đắk Nông đã có nhiều giải pháp hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế. Đồng thời, Sở Y tế Đắk Nông đã tăng cường, bổ sung kịp thời trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh cho các cơ sở y tế công lập, đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân nói chung và khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nói riêng.
Đây đều là những kết quả tích cực, đáng ghi nhận, trong bối cảnh Đắk Nông vẫn là địa phương còn nhiều khó khăn so với các tỉnh Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Từ năm 2014 đến nay, số người tham gia bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế tại Đắk Nông hàng năm đều tăng. Theo số liệu tính đến tháng 9/2019, Đắk Nông có hơn 542.000 người có thẻ bảo hiểm y tế với tỷ lệ bao phủ bảo hiểm đạt hơn 87,2%, tăng hơn 24,5% so với năm 2014. Việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Đắk Nông ngày càng trở nên phổ biến. Người dân được tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục điều trị cũng như thanh quyết toán viện phí. Trong giai đoạn từ 2014 – 2018, tổng thu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Đắk Nông đạt gần 1.500 tỷ đồng, tổng chi gần 1.400 tỷ đồng.
Tính đến hết năm 2019, Đắk Nông có hơn 67% tổng số người tham gia bảo hiểm y tế thuộc nhóm do ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ đóng (tỷ lệ chung của cả nước hiện là 42%). Nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là một nguồn lực quan trọng để Đắk Nông nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, cũng như nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Ngành Y tế Đắk Nông đã thực hiện hiệu quả đề án nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế bằng việc hoàn thiện hệ thống phác đồ, quy trình, hướng dẫn điều trị; thực hiện lộ trình thông tuyến khám chữa bệnh, liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám chữa bệnh. Sở Y tế Đắk Nông đã chủ trì, chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường những chương trình hợp tác y tế, triển khai nhiều kỹ thuật điều trị mới, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ… đáp ứng kịp thời nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng của người dân.
Hiện nay, Đắk Nông có 10 cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở Y tế, trong đó có hai cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh (tức bệnh viện hạng 2), 8 cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện (tức bệnh viện hạng 3), và 71 trạm y tế xã, phường, trị trấn. Số bác sỹ/vạn dân là 7,7 bác sỹ và 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sỹ làm việc. Việc hệ thống y tế ngày càng hoàn thiện đã giúp ngành Y tế Đắk Nông phòng, chống hiệu quả các loại dịch bệnh như: COVID-19, bạch hầu, sốt xuất huyết… và hoàn thành tốt nhiều mục tiêu quốc gia về y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Liên quan tới công tác đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế và đấu thầu thuốc chữa bệnh, từ năm 2014 - 9/2019, Sở Y tế Đắk Nông đã tổ chức đấu thầu, mua sắm 28 gói thầu trang thiết bị y tế, 55 gói thầu vật tư y tế, và 50 gói thầu mua sắm thuốc chữa bệnh với tổng giá trị gần 1.000 tỷ đồng. Giám đốc Sở Y tế Đắk Nông trong giai đoạn này lần lượt là ông Ngô Minh Trực (2012 - 2015) và bà Nguyễn Thị Thanh Hương (từ tháng 12/2015 - nay). Thanh tra tỉnh Đắk Nông khẳng định việc thực hiện trình tự, thủ tục đấu thầu, mua sắm cơ bản đúng quy định, các trang thiết bị y tế nhập khẩu có giấy chứng nhận chất lượng, chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, giấy phép nhập khẩu… và các giấy tờ liên quan theo quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, thiếu sót cần khắc phục.
Có dấu hiệu sai phạm trong việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế
Thanh tra tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh nhiều vấn đề bất cập, bất hợp lý, có dấu hiệu sai phạm trong việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế; đồng thời, kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền sớm xử lý và bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan tới lĩnh vực này.
Theo đó, Thanh tra tỉnh Đắk Nông chỉ ra nhiều gói thầu có giá trúng thầu cao hơn “bất thường” so với giá nhập khẩu tại tờ khai hải quan. Tiêu biểu như gói thầu cung cấp thiết bị hồi sức cấp cứu, phòng mổ, điều trị, xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy Đức (năm 2014) có giá trúng thầu đối với toàn bộ 43 trang thiết bị là 15,4 tỷ đồng. Cơ quan thanh tra đề nghị và Hải quan cung cấp tổng giá tờ khai hải quan của 16/43 trang thiết bị nêu trên chỉ gần 4,1 tỷ đồng, trong khi tổng giá trúng thầu (của 16/43 thiết bị) là hơn 9,1 tỷ đồng.
Tương tự, gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông (năm 2015) có giá trúng thầu trọn gói hơn 16,1 tỷ đồng (bao gồm 14 loại trang thiết bị y tế). Cơ quan Thanh tra “bóc tách” 8/14 trang thiết bị và được Hải quan cung cấp tổng giá tờ khai hải quan của 8/14 trang thiết bị gần 4 tỷ đồng, trong khi giá trúng thầu của 8/14 thiết bị này hơn 9,2 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên vấn đề chênh lệch giá các trang thiết bị y tế tại Đắk Nông (giữa giá trúng thầu và giá tại tờ khai hải quan) bị các cơ quan chức năng nêu ra. Theo Thanh tra tỉnh Đắk Nông, tại Thông báo số 11/TB-KTKV XII ngày 22/1/2017 của Kiểm toán Nhà nước khu vực XII, cơ quan Kiểm toán cũng khẳng định mức giá trúng thầu của gói thầu cung cấp và lắp đặt trang thiết bị hồi sức cấp cứu, phòng mổ, điều trị, xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh của dự án Nâng cấp, sửa chữa Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk R’Lấp (Đắk Nông) là “cao hơn mức giá đoàn kiểm toán tạm tính…”, và số tiền chênh lệnh gần 4,5 tỷ đồng.
Tương tự, tại Thông báo số 13/TB-KTKV XII ngày 5/1/2019 của Kiểm toán Nhà nước khu vực XII kết luận gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế tập trung cho các cơ sở y tế công lập năm 2017 (Đắk Nông) có “mức giá trúng thầu của một số trang thiết bị chênh lệch quá cao so với mức giá nhập khẩu trên tờ khai hải quan do Cục Hải quan Đắk Lắk cung cấp”.
Tuy nhiên, đơn vị Kiểm toán chỉ yêu cầu Sở Y tế Đắk Nông báo cáo giải trình nguyên nhân dẫn tới sự chênh lệch trên, không kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm các nội dung này.
Liên quan tới việc giá trúng thầu nhiều trang thiết bị y tế giai đoạn 2014 - 2019 tại Đắk Nông cao hơn bất thường so với giá tại tờ khai hải quan, Thanh tra tỉnh Đắk Nông khẳng định nguyên nhân là do nhiều chứng thư thẩm định giá trang thiết bị y tế không sát đúng giá thị trường (các chứng thư này do các đơn vị thẩm định giá mà Sở Y tế Đắk Nông ký hợp đồng cung cấp - PV) đã được Sở Y tế sử dụng để lập dự toán, lập giá kế hoạch đấu thầu. Đồng thời, kiến nghị chuyển hồ sơ một số gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế sang Công an tỉnh Đắk Nông điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Tại văn bản số 2473/SYT-KHTC, ngày 6/11/2020 gửi UBND tỉnh Đắk Nông), Sở Y tế Đắk Nông khẳng định đơn vị đã tuân thủ đầy đủ các quy định, quy trình của pháp luật liên quan đến việc mua sắm trang thiết bị y tế từ khi xây dựng kế hoạch mua sắm cho đến khi kết thúc, các trang thiết bị y tế đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chứng nhận chất lượng, các giấy tờ liên quan đúng quy định. Cơ quan Thanh tra đã ghi nhận các nội dung này. Giá trúng thầu các trang thiết bị tại Sở Y tế Đắk Nông thời gian qua cũng tương đồng với giá trúng thầu của các đơn vị khác trong cả nước đã được đăng tải trên cổng thông tin của Bộ Y tế.
Sở Y tế Đắk Nông đề nghị Thanh tra tỉnh Đắk Nông yêu cầu các đơn vị thẩm định giá giải trình các nội dung liên quan tới việc cơ quan Thanh tra cho rằng các đơn vị này thẩm định giá thiếu chặt chẽ, cung cấp nhiều chứng thư thẩm định giá trang thiết bị y tế cao hơn giá thị trường; đồng thời, kiến nghị điều tra, xử lý nếu thấy các đơn vị thẩm định giá có vi phạm quy định pháp luật về thẩm định giá.
Về vấn đề giá trang thiết bị y tế tại tờ khai hải quan thấp bất thường so với giá trúng thầu, theo một chuyên gia ngành Y tế Đắk Nông, ngành chức năng cần xem xét, xử lý trách nhiệm của các đơn vị thẩm định giá và các nhà thầu cung cấp, đơn vị nhập khẩu trang thiết bị. Giá nhiều trang thiết bị y tế trên tờ khai nhập khẩu thấp bất thường so với giá thị trường có thể là dấu hiệu trốn thuế. Đồng thời, trách nhiệm của đơn vị thẩm định giá cần được xem xét, cần làm rõ việc đơn vị thẩm định giá có căn cứ trên tờ khai hải quan để thẩm định giá hay không.
Theo Sở Tài chính Đắk Nông (tại văn bản số 927/STC-GCS ngày 24/5/2017 của Sở Tài chính Đắk Nông gửi UBND tỉnh Đắk Nông), giá kê khai tại tờ khai hải quan chỉ được áp dụng đối với đơn vị trực tiếp nhập khẩu hàng hóa. Sở Y tế Đắk Nông là chủ đầu tư, tiến hành đầu thầu và hợp đồng mua bán đối với các công ty chuyên cung ứng thiết bị, không phải là đơn vị nhập khẩu trực tiếp nên không thể lập dự toán giá thiết bị ở nơi mua theo tờ khai hải quan (giá nhập khẩu tính đến cảng Việt Nam).
Kiến nghị hoàn thiện quy trình, quy định
Sở Tài chính Đắk Nông kiến nghị UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu tiến hành phân tích giá dự thầu, thuyết minh cụ thể chi phí cấu thành giá dự thầu, trong đó có giá tại tờ khai hải quan nhập khẩu hàng hóa làm cơ sở xem xét giá vốn thiết bị, thuốc, vật tư y tế và chi phí liên quan. Từ đó, lựa chọn được giá tối ưu trên thị trường.
Liên quan tới vấn đề này, Thanh tra tỉnh Đắk Nông kiến nghị Thanh tra Chính phủ tổng hợp, kiến nghị các bộ, ngành liên quan sớm ban hành văn bản quy định cụ thể về đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế. Theo Thanh tra tỉnh Đắk Nông, đây là hàng hóa đặc thù, có liên quan tới sức khỏe, tính mạng con người nhưng từ trước tới nay vẫn thực hiện đấu thầu, mua sắm như các trang thiết bị, hàng hóa thông thường và việc ban hành văn bản cụ thể, đặc thù cho lĩnh vực này là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, ngành chức năng cần rà soát các chương trình, dự án y tế có mua sắm trang thiết bị cấp về các địa phương, theo hướng thống nhất với địa phương, đơn vị thụ hưởng, đảm bảo danh mục các trang thiết bị y tế cần mua, tránh tình trạng trang thiết bị cấp về không sử dụng do không có nhu cầu hoặc không phù hợp.
Thanh tra tỉnh Đắk Nông yêu cầu Sở Y tế chấn chỉnh việc liên doanh, liên kết sử dụng trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh hiện nay. Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh phải đánh giá, định giá lại giá trị tài sản (nhà cửa, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị liên quan…) trước khi đưa vào liên doanh, liên kết. Các sơ sở y tế khi ký hợp đồng mượn máy, hợp tác không được cam kết sử dụng hóa chất, vật tư y tế do đơn vị đặt máy, cho mượn máy cung cấp, nhằm tránh tình trạng đơn vị cho mượn máy hoặc liên kết lợi dụng việc này để bán hóa chất, vật tư y tế. Đây cũng là việc làm cần thiết nhằm hạn chế việc tăng giá dịch vụ đối với người bệnh.