Nhiều vướng mắc
Sở Y tế Đắk Lắk đã có công văn tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền tình trạng thiếu thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Trong đó nêu rõ cả danh mục thuốc đấu thầu cấp địa phương (Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk thực hiện) và danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp cơ sở (các cơ sở khám, chữa bệnh công lập thực hiện) đều gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện đấu thầu mua sắm thuốc.
Đơn cử như ở danh mục thuốc đấu thầu cấp địa phương, gói thầu mua thuốc Generic thuộc Dự án Mua thuốc đối với danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương năm 2019 - 2020 hết hiệu lực ngày 1/10/2021, Sở Y tế đã tập trung nhân lực thực hiện gói thầu năm 2021 - 2022. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan nên đến nay gói thầu đang ở giai đoạn lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Đối với danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp cơ sở, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh công lập đều xảy ra tình trạng thời gian đấu thầu thuốc kéo dài. Nếu có đấu thầu được thì có quá nhiều mặt hàng rớt thầu hoặc không có nhà thầu tham gia.
Theo ông Y Lâm Niê, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột, đối với các gói thầu cấp cơ sở, một số mặt hàng thuốc cấp cứu, thuốc phải kiểm soát đặc biệt như nhóm thuốc gây nghiện, hướng tâm thần không có nhà thầu tham dự hoặc không được lựa chọn do giá dự thầu cao hơn giá kế hoạch được duyệt. Về vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất có ít nhà thầu tham dự hoặc không có nhà thầu tham dự do số lượng ít, giá được phê duyệt thấp. Các vật tư y tế như găng tay, khẩu trang, bông băng gạc, kim tiêm, bơm tiêm... nhà thầu trúng thầu không cung ứng đủ hàng hóa do nhà sản xuất thiếu nguyên liệu sản xuất.
"Bên cạnh đó, thời gian xây dựng kế hoạch, tổ chức lựa chọn nhà thầu quy trình kéo dài (3 - 4 tháng/gói thầu). Đối với những mặt hàng cấp bách bệnh viện chỉ mua được với hình thức chỉ định thầu nên số lượng rất ít không đủ để cung ứng trong thời gian dài. Do đó dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân", ông Y Lâm Niê cho hay.
Gỡ vướng trong đấu thầu, đảm bảo thuốc khám chữa bệnh
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk Nay Phi La cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc và khó đấu thầu. Đơn cử như tác động của đại dịch COVID-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, trong đó có thuốc; giá cả đầu vào nguyên liệu tăng cao trên thế giới… Việc tăng số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát cũng làm cho các cơ sở khám chữa bệnh không cung ứng đủ thuốc cho bệnh nhân. Nhiều mặt hàng thuốc đã hết thời gian được cấp phép lưu hành.
Bên cạnh đó, hành lang pháp lý chưa đầy đủ và nhiều bất cập cũng dẫn đến khó khăn trong công tác đấu thầu mua sắm thuốc. Luật, Nghị định, Thông tư hướng dẫn đấu thầu thuốc thay đổi liên tục, các văn bản hướng dẫn, pháp lý còn mang tính chung chung, chưa thực sự chi tiết. Sở Y tế Đắk Lắk đã có nhiều công văn gửi Bộ Y tế đề nghị giải đáp các vướng mắc nhưng vẫn chưa được Bộ Y tế, Cục Quản lý dược hướng dẫn, hồi đáp công văn.
Công tác đấu thầu tạo ra một áp lực rất lớn về các thủ tục liên quan, trong khi đó đội ngũ y tế được đào tạo kiến thức chuyên môn về y dược. Để nắm bắt về đấu thầu cần phải có thời gian tìm hiểu, học hỏi và được đào tạo. Giai đoạn gần đây, các cán bộ y tế tham gia công tác đấu thầu thuốc đề có tâm lý e ngại và không muốn làm công việc này vì có quá nhiều rủi ro và áp lực công việc. Nhiều nơi, các cán bộ y tế sẵn sàng nghỉ việc khi được giao nhiệm vụ tham gia công tác đấu thầu thuốc.
Theo ông Nay Phi La, việc 100% các cơ sở khám chữa bệnh công lập trong tỉnh phải thực hiện công tác đấu thầu thuốc gây ra rất nhiều lãng phí và bất cập khi mỗi đơn vị tự tổ chức đấu các gói thầu riêng lẻ dẫn đến số lượng quá ít, tổng giá trị từng mặt hàng thấp nên có nhiều mặt hàng không có nhà thầu tham gia dự thầu. Đặc biệt là các thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, thuốc cấp cứu không có hoặc có rất ít nhà thầu tham gia vì số lượng ít, giá kế hoạch thấp, chi phí vận chuyển cao.
Ông Y Lâm Niê, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Buôn Ma Thuột cho hay bệnh viện đang được một số đơn vị dược hỗ trợ một số loại thuốc đang thiếu, góp phần giảm áp lực cho bệnh viện. Tuy nhiên, về lâu dài nếu không kịp thời thực hiện đấu thầu, mua sắm thuốc thì công tác khám chữa bệnh trong thời gian tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Do đó, bệnh viện kiến nghị Sở Y tế cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói thầu đối với danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương năm 2021 - 2022 để có kết quả lựa chọn nhà thầu trong thời gian sớm nhất. Ngành Y tế tỉnh cần có giải pháp cụ thể giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế hiện nay gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh có thẻ Bảo hiểm y tế và chất lượng điều trị. Ngành chức năng cần xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn công tác đấu thầu cụ thể, rõ ràng hơn, tạo thuận lợi cho các cơ sở y tế thực hiện đấu thầu thuốc, vật tư y tế.
Trước những khó khăn trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc phục vụ khám chữa bệnh tại hệ thống bệnh viện công lập, ngày 30/6/2022, Sở Y tế Đắk Lắk đã có văn bản báo cáo, kiến nghị các cơ quan ban ngành sớm sửa đổi, điều chỉnh các nội dung bất cập, tháo gỡ các vướng mắc, tạo sự yên tâm cho cán bộ y tế khi triển khai công tác đấu thầu thuốc; xem xét lại các tiêu chí kỹ thuật và giá thuốc trong công tác đấu thầu thuốc, giá thuốc trúng thầu là giá hợp lý và quan trọng là phải đảm bảo chất lượng thuốc, Bộ Y tế phải là đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc khi cấp đăng ký lưu hành.
Sở cũng kiến nghị Bộ Y tế, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế có hướng dẫn cụ thể một số quy định như, cách lựa chọn, áp giá trúng thầu để lập dự toán giá gói thầu…Bộ Y tế xem xét, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 14/2020/TTBYT ngày 10/7/2020 về Quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở công lập theo hướng đấu thầu theo từng mặt hàng để thuận lợi trong việc mời thầu, xét thầu, tham dự thầu. Từ đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắt trong công tác đấu thầu và đẩy nhanh quá trình mua sắm thuốc nhằm sớm giải quyết vấn đề thiếu thuốc hiện nay cũng như đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trong thời gian tới.