Đắk Lắk: Khan hiếm máu phục vụ cấp cứu và điều trị

Những ngày qua, trên các trang mạng xã hội như Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện khu vực Tây Nguyên, Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện Đắk Lắk, Câu lạc bộ hỗ trợ máu tỉnh Đắk Lắk… liên tục kêu gọi hiến máu để phục vụ cho cấp cứu và điều trị.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: TTXVN

Một bài đăng của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương trên mạng xã hội nhấn mạnh: "Bình quân mỗi ngày tại tỉnh Đắk Lắk cần khoảng 80 đơn vị máu cho công tác điều trị. Đến thời điểm hiện tại, lượng máu chỉ đủ dùng cho 1 ngày. Mặc dù vẫn kêu gọi và vận động người nhà bệnh nhân tham gia hiến máu tình nguyện nhưng số lượng máu chưa đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị. Trung tâm Huyết học - Truyền máu Đắk Lắk kêu gọi người dân đủ điều kiện sức khỏe tham gia hiến máu tại tầng 4, nhà B Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, 184 Trần Quý Cáp, phường Tự An, Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk".

Qua tìm hiểu, từ đầu tháng 3/2022 đến nay, tình hình tiếp nhận, cung ứng máu phục vụ cấp cứu và điều trị tại tỉnh Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn. Lượng máu dự trữ tại các cơ sở y tế trên địa bàn, nhất là tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã cạn, trong khi kế hoạch tiếp nhận máu hiến tặng vẫn chưa được triển khai. Như tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trung bình cần 1.800 - 2.000 đơn vị máu/tháng để phục vụ cấp cứu và điều trị thường xuyên nhưng thời gian vừa qua, lượng máu dự trữ chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu.

Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Đức Phú cho biết, nguyên nhân thiếu hụt lượng máu trong thời gian qua là do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Số ca bệnh tăng cao, các địa phương trong tỉnh đều là vùng dịch cấp độ 3 nên không thể tổ chức chương trình hiến máu tình nguyện tập trung đông người. Nhiều nhân viên y tế đang phải cách ly điều trị nên thiếu nhân lực tham gia lấy máu. Một nguyên nhân khác là do thời gian qua, công tác đấu thầu trong ngành y tế chậm trễ nên không có hóa chất phục vụ xét nghiệm, sàng lọc mẫu máu. Mặc dù trong tháng 3 - Tháng Thanh niên và nhân dịp 22 năm ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện (7/4/2000 - 7/4/2022), nhiều đơn vị đăng ký hiến máu song thiếu hóa chất xét nghiệm, sàng lọc nên không thể triển khai.

Để đáp ứng nhu cầu máu khẩn cấp cho cấp cứu và điều trị, các đơn vị chức năng đã kêu gọi, vận động người nhà bệnh nhân, các câu lạc bộ, tình nguyện viên và người dân tham gia hiến máu tại cơ sở y tế. Ông Nguyễn Đức Phú cho biết thêm "Trong tháng 4, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh đã xây dựng kế hoạch, tổ chức hiến máu ở các huyện Ea Súp, Lắk, Krông Bông và thành phố Buôn Ma Thuột, song phải đến giữa tháng 4 mới đáp ứng đủ nhu cầu máu cho ngành y tế".

Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh đề nghị ngành y tế khắc phục vấn đề thiếu hóa chất xét nghiệm, sàng lọc máu để thuận lợi triển khai công tác hiến máu nhân đạo, tiếp nhận máu cung ứng cho các cơ sở y tế. Người dân đủ điều kiện sức khỏe, hiến máu lần gần nhất cách đây 3 tháng, đã khoi COVID-19 ít nhất 28 ngày tích cực tham gia hiến máu vì "một giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại".

Hoài Thu (TTXVN)
Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4: Hiến máu tình nguyện – Hoạt động nhân văn và nhiều lợi ích
Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4: Hiến máu tình nguyện – Hoạt động nhân văn và nhiều lợi ích

Hiến máu tình nguyện là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần "tương thân tương ái" của dân tộc Việt Nam. Máu là loại thuốc đặc biệt quý hiện chưa có gì thay thế được và chỉ được hiến tặng từ những trái tim nhân ái, luôn biết yêu thương, sẻ chia, có trách nhiệm với cộng đồng. Tham gia hiến máu tình nguyện, mỗi người không chỉ nhận về niềm vui khi có thể góp phần cứu sống người khác mà còn nhận được rất nhiều lợi ích cho chính bản thân mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN