Đợt dịch thứ 3 phức tạp nhất đang dần được kiểm soát
Tính đến 18 giờ ngày 20/8, Việt Nam đã ghi nhận 1.007 ca mắc COVID-19, trong đó đã điều trị khỏi cho 542 ca và đã có 25 ca tử vong. Đến nay Việt Nam đã trải qua 3 đợt dịch COVID-19 bùng phát và đợt dịch thứ 3 được đánh giá là có diễn biến phức tạp nhất.
Trong đợt dịch đầu tiên mà khởi phát là ca bệnh nhập cảnh từ Trung Quốc, Việt Nam đã ghi nhận tổng số 16 ca mắc chủ yếu ở ổ dịch Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) và đã được kiểm soát rất nhanh.
Đến ngày 7/3, với sự xuất hiện của ca bệnh số 17, là ca xâm nhập từ châu Âu trở về; đợt dịch thứ 2 đã lan ra cộng đồng với hơn 124 ca chủ yếu tại các ổ dịch tại Hạ Lôi, Mê Linh (Hà Nội) và ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai. Với các biện pháp quyết liệt phát hiện, khoanh vùng, cách ly triệt để, dịch cũng đã được kiểm soát. Sau đó nhiều ngày, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới.
Điểm đáng ghi nhận là trong 2 đợt đầu của dịch, tất cả các ca bệnh COVID-19 đều được chữa khỏi, không có ca tử vong. Ca bệnh nặng nhất nhiều lần tưởng không qua khỏi là bệnh nhân số 91 (phi công người Anh) cũng đã được chữa khỏi và hồi phục sức khoẻ trở về nước sau 3 tháng điều trị.
Thành quả chống dịch đã được giữ vững sau 99 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, đợt dịch thứ 3 lại tiếp tục bùng phát khi ca mắc cộng đồng đầu tiên được ghi nhận vào ngày 25/7 tại Đà Nẵng; và chỉ sau hơn 3 tuần, đến ngày 20/8, Việt Nam đã có thêm 592 ca mắc mới, trong đó có 525 ca lây nhiễm trong cộng đồng; đặc biệt đã có 25 bệnh nhân tử vong trong đợt dịch thứ 3 này.
Đánh giá về con số mắc đã vượt mốc 1.000 ca, BS. Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho biết: “Đến nay, Việt Nam đã qua mốc 1.000 ca bệnh COVID-19. Tuy nhiên trong số này đã có tới gần 400 ca là diện ca xâm nhập từ bên ngoài vào và hiện đã có hơn một nửa tổng số ca bệnh đã được chữa khỏi, ra viện. Đặc biệt, trong đợt dịch mới này, tuy ghi nhận số ca bệnh nhiều nhưng phần lớn các ca bệnh tập trung chủ yếu ở một số khu vực chính là: Bệnh viện Phổi Đà nẵng, Bệnh viện dã chiến Hoà Vang, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Trung ương Quảng Nam; còn lại các nơi khác chỉ là rải rác các ca nhẹ. Việc các ca bệnh tập trung chủ yếu ở một số nơi giúp chúng ta có thể tập trung năng lực đảm bảo điều trị cho người bệnh, hiện chưa đến mức quá tải”.
Các chuyên gia cũng cho rằng, với quy mô số ca mắc đang giảm như hiện tại thì khả năng Việt Nam sẽ ngăn chặn được dịch trong thời gian tới.
Theo đó, ổ dịch ở Đà Nẵng ngay từ khi phát hiện ca đầu tiên, dịch đã lây lan trong cộng đồng. Đến nay, sau hơn 3 tuần (tính từ ca đầu tiên phát hiện ngày 25/7), nhìn vào quy mô ca bệnh những ngày gần đây so với những ngày đầu của đợt dịch mới cho thấy số ca mắc đang giảm dần. Nếu những ngày đầu có khi lên đến vài chục ca mắc/ngày thì hiện chỉ dao động trên dưới 10 ca/ngày. Nếu Việt Nam không kiểm soát được dịch thì số lượng sẽ càng ngày càng tăng và nhân lên rất nhanh, thậm chí lên tới cả trăm ca/ngày chứ không phải là giảm đi. Trong khi đó, Việt Nam cũng đã tập trung hết mức cho công tác lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, làm triệt để, rộng rãi nhưng số ca mắc đang giảm thì đây là dấu hiệu của việc Việt Nam đang dần kiểm soát được ổ dịch ở Đà Nẵng.
“Giai đoạn 3 này, dịch phức tạp hơn trước rất nhiều với quy mô lớn hơn, mức độ lớn hơn. Đặc biệt việc có nhiều ca tử vong là do dịch đã tấn công vào bệnh viện và lại đúng vào nhóm bệnh nhân mắc bệnh nền rất nặng, trong khi những bệnh nhân này nếu không mắc COVID-19 thì cũng có nguy cơ tử vong rất cao; vì vậy, việc điều trị rất khó khăn, thậm chí thời gian tới sẽ vẫn còn ghi nhận các ca tử vong nữa vì vẫn còn một số bệnh nhân rất nặng”, BS. Nguyễn Hồng Hà đánh giá.
Để tập trung dập dịch ngay từ khi phát hiện ổ dich tại Đà Nẵng, Bộ Y tế đã ngay lập tức huy động chi viện cho Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung chống dịch. Đã có gần 300 chuyên gia đầu ngành là các y, bác sĩ, nhân viên y tế của gần 20 đơn vị từ Bộ Y tế, các Viện, Bệnh viện, trường và một số Sở Y tế đã hỗ trợ cho miền Trung chống dịch. Cụ thể, ngay từ khi có ca bệnh đầu tiên, Bộ Y tế đã cử 3 đội công tác là các chuyên gia hàng đầu về điều trị, xét nghiệm, dịch tễ và truy vết đến Đà Nẵng. Ngay sau đó Bộ Y tế cũng thành lập Bộ phận Thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 tại Đà Nẵng (Bộ Chỉ huy tiền phương) do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phụ trách; sau đó lại tiếp tục cử thêm 3 chuyên gia hàng đầu vào miền Trung cùng “Bộ Chỉ huy tiền phương” nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân COVID-19.
Đặc biệt, trong đợt dịch thứ 3, cùng với khống chế các ổ dịch trong nước, Việt Nam vẫn tiếp tục đón các công dân về nước, các chuyên gia nước ngoài đến làm việc… trong số cũng đã ghi nhận một số lượng không nhỏ người mắc COVID-19 phải điều trị.
Việt Nam cũng phải đối mặt với sức ép rất lớn khi chống dịch trong bối cảnh phải thực hiện “mục tiêu kép”, trong trạng thái bình thường mới là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Khi phát hiện ca bệnh, chủ trương của Việt Nam là phát hiện ở đâu, khoanh vùng ở đó, khoanh vùng nhỏ nhất có thể, không để tê liệt ảnh hưởng đến phát triển được kinh tế; bởi nếu dịch bệnh còn kéo dài, chúng ta phải xác định tinh thần "chung sống an toàn với dịch”. Đến nay, Việt Nam vẫn không thay đổi phương châm phòng chống dịch là: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch.
Để đáp ứng với đợt dịch mới bùng phát, năng lực xét nghiệm của Việt Nam cũng đã được nâng lên rõ rệt. Chỉ riêng trong giai đoạn chưa đầy 1 tháng (từ 23/7 đến 19/8), hệ thống xét nghiệm của ngành y tế đã thực hiện xét nghiệm 390.490 mẫu (so với 426.718 mẫu được thực hiện từ khi dịch COVID-19 bắt đầu xâm nhập vào Việt Nam cuối tháng 1/2020 đến 24/7/2020), chiếm 47.8% tổng số mẫu xét nghiệm từ đầu dịch. Hiện cả nước đã có 123 phòng xét nghiệm có khả năng xét nghiệm bằng phương pháp RealTime-PCR phát hiện virus SARS-CoV-2 với công suất tối đa hơn 46 nghìn mẫu/ngày; trong đó có hơn 71 phòng xét nghiệm khẳng định với công suất hơn 36 nghìn mẫu/ngày. Bộ Y tế cũng đã thành lập hệ thống hỗ trợ xét nghiệm tại 3 khu vực để giúp các địa phương nâng công suất xét nghiệm trong trường hợp cần thiết.
Bình tĩnh, không chủ quan
Mặc dù Việt Nam đang dần kiểm soát được tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Đà Nẵng, Quảng Nam và một số địa phương khác, tuy nhiên Bộ Y tế nhận định tình hình dịch sẽ tiếp tục kéo dài và xuất hiện các chùm ca bệnh và ca bệnh tại cộng đồng, do đó các địa phương phải nâng mức cảnh giác ở mức cao nhất để phát hiện sớm và kịp thời cách ly, khoanh vùng, dập dịch để tránh dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.
Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong gần 1 tháng qua, nhờ triển khai tất cả các biện pháp quyết liệt, chưa từng có tiền lệ, mà các ổ dịch ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng đang từng bước được kiểm soát. Số ca mắc giảm dần trong những ngày gần đây. Hiện Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số tỉnh miền Trung đang tăng cường truy vết, xét nghiệm, xác định các yếu tố nguy cơ để triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh kịp thời. Tới đây, các địa phương vẫn sẽ đối mặt với việc tiếp tục có mầm bệnh lây lan trong cộng đồng.
Thực tế cho thấy, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong cách xử lý khi xuất hiện ca bệnh. Người dân cũng phải chuẩn bị tâm thế khả năng dịch sẽ kéo dài, nếu không có vắc xin, cuộc chiến chống dịch sẽ rất khó khăn.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương cần chủ động trong mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế và thực hiện sàng lọc những trường hợp theo đúng quy định. Đồng thời, các địa phương cũng phải nâng cao năng lực xét nghiệm, chuẩn bị sẵn sàng chống dịch, tránh tâm thế trông chờ, thụ động. Phải chủ động trong các tình huống ca bệnh tăng để huy động năng lực xét nghiệm. Vì làm tốt xét nghiệm mới có thể nhanh chóng truy vết, giám sát, cách ly, khoanh vùng, dập dịch.
Về việc phát hiện ca bệnh trong cộng đồng, theo Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam Nguyễn Hồng Hà, hiện nay không chỉ ổ dịch lớn tại Đà Nẵng, các địa phương khác cũng phải tích cực, chủ động trong phòng chống dịch. Nếu không chủ động, các địa phương khác sẽ khó có thể kiểm soát được dịch vì hiện vẫn rải rác ghi nhận các ca cộng đồng và có nguy cơ lây lan rộng ở các tỉnh. Các địa phương cũng phải tăng cường các khâu giám sát, truy vết ca bệnh, cùng với việc người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch để sớm kiểm soát dịch.
Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại đã qua nhiều ngày với những người từ Đà Nẵng trở về; vì vậy không chỉ những trường hợp có tiền sử dịch tễ mà những trường hợp bị viêm phổi hoặc các biểu hiện triệu chứng COVID-19 khi đến các bệnh viện đều phải được xét nghiệm để sàng lọc bệnh nhân COVID-19. Từ đó mới có thể phát hiện, truy vết những trường hợp tiếp xúc (nếu có ca bệnh) để kiểm soát dịch thật tốt.
Đồng thời người dân cũng phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Không thể chỉ trông chờ vào Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch mà toàn dân cũng phải cùng vào cuộc quyết liệt như các đợt dịch trước mới có thể kiểm soát được dịch.
"Từng người dân phải nâng cao cảnh giác thực hiện tốt việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, vệ sinh môi trường và tránh tụ tập đông người, vì nếu nảy sinh dù chỉ một ca bệnh trong cộng đồng cũng dẫn đến hậu quả rất lớn với khối lượng công việc khổng lồ trong truy vết, khoanh vùng, cách ly, điều trị", BS. Nguyễn Hồng Hà cảnh báo.