Trước đó, giữa tháng 7/2019, chị Huỳnh Thị Kim Phụng (25 tuổi, trú tại xã Mỹ Khánh, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) bị vỡ ối sớm, thai suy nên được người nhà đưa vào Bệnh viện Sản - Nhi An Giang điều trị. Sau đó, sản phụ sinh con non tháng nặng 2,4 kg, bé bị dị dạng lồng ngực, cột sống nhão cơ hoành, nhiễm khuẩn huyết... Sau khi sinh bé tím tái, phải thở máy để điều trị, nếu không áp dụng kỹ thuật cao để điều trị thì có nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào.
Qua hội chẩn các bác sĩ quyết định áp dụng kỹ thuật mới đặt catheter tĩnh mạch trung tâm từ ngoại biên giúp truyền thuốc, nuôi ăn kéo dài cho bé. Đây là kỹ thuật phức tạp và lần đầu tiên được các bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi An Giang mạnh dạn áp dụng vào điều trị cho trường hợp này.
Bác sĩ Dương Thanh Tùng, Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh An Giang), người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi, cho biết: Kỹ thuật mới đặt catheter tĩnh mạch trung tâm từ ngoại biên có thể lưu nuôi ăn, truyền thuốc cho trẻ sơ sinh bệnh nặng trong vòng một tháng, giảm luồn kim ngoại biên, giảm đau khi điều trị cho bé và giảm công sức cho điều dưỡng rất nhiều.
Bác sĩ Đinh Thị Bích Loan, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Sản - Nhi An Giang), cho biết: Thời gian qua, Bệnh viện Sản - Nhi An Giang được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại như máy thở, máy thở cao tầng, lồng ấp…, giúp bệnh viện áp dụng thực hiện thành công nhiều kỹ thuật mới như: bơm Surfactant trong điều trị suy hô hấp ở trẻ sơ sinh non tháng, đặt catheter, tĩnh mạch rốn…, nâng cao chất lượng điều trị cho trẻ sơ sinh. Việc Bệnh viện áp dụng thành công kỹ thuật đặt catheter tĩnh mạch trung tâm từ ngoại biên điều trị cho trẻ sơ sinh đã mở ra hướng điều trị mới cho trẻ sơ sinh mắc bệnh nặng, hạn chế chuyển lên tuyến trung ương, tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân.
Hiện tại mẹ con sản phụ tiếp tục nằm điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực. Bệnh viện Sản - Nhi An Giang cũng đang tiếp nhận điều trị 20 trẻ sơ sinh bệnh nặng.