Sau 5 ngày điều trị, hiện tại bệnh nhi đã tỉnh với các vết mổ đã khô, ăn uống được và sẽ xuất viện trong một đến hai ngày tới.
Bệnh nhi là cháu N.K.T, trú ở xã Đông Quang (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa), bị chó cắn khi sang chơi ở nhà hàng xóm. Bé được gia đình đưa đi cấp cứu và điều trị tại Khoa Răng Hàm Mặt (Bệnh viện Nhi Thanh Hóa) trong tình trạng vùng da đỉnh đầu rách, bong lóc hộp sọ, trong đó có 3 vết cắn sâu có kích thước 3cm x 8cm, đồng thời bị rách da vùng cổ, mất tổ chức vùng má thái dương phải, lộ mạch máu... Bệnh nhi nhanh chóng được hội chẩn mổ cấp cứu. Ca mổ kéo dài 2 giờ.
Bác sỹ chuyên khoa I Vũ Văn Thoan, Phó trưởng khoa Khoa Răng Hàm Mặt, cho biết: Với tình trạng của bé, nếu không kịp thời được phẫu thuật thì các vết thương rất dễ bị nhiễm trùng nặng và diễn biến khó lường khiến thời gian nằm viện kéo dài. Ê kíp phẫu thuật đã nhanh chóng vệ sinh, cầm máu, khâu lại các vạt da bị rách cho bé đồng thời cố gắng đảm bảo được tính thẩm mỹ cho khuôn mặt của trẻ sau khi hồi phục.
Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, trung bình mỗi năm Khoa Răng Hàm Mặt tiếp nhận điều trị từ 20 - 30 bệnh nhân bị chó cắn. Chó thường cắn vào mặt của trẻ do vùng cơ thể đó ngang tầm của con vật. Khi bị chó cắn, ngoài những vết thương rách để lại sẹo xấu và các tổn thương ảnh hưởng đến sức khỏe, nạn nhân còn bị sang chấn tâm lý và có thể bị lây bệnh dại qua vết cắn.
Các bác sỹ cũng khuyến cáo, các gia đình không cho trẻ lại gần chó, đặc biệt là chó lạ, không để trẻ trêu chọc chó khi chó đang ăn, đang ngủ hoặc khi trẻ đang ăn. Cần xử lý vết thương kịp thời cho trẻ khi bị chó cắn. Nếu vết thương nhỏ, không chảy máu hay chảy máu ít thì người lớn nên rửa vết thương cho trẻ bằng xà phòng dưới vòi nước. Nếu vết thương lớn thì cần cầm máu, ép vết thương bằng gạc, vải sạch, hạn chế làm dập vết thương, không được băng kín vết thương. Cần đưa trẻ đến ngay các trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.