Gia cầm nhập lậu bị Bộ đội Biên phòng Chi Ma (tỉnh Lạng Sơn) thu giữ. Ảnh: Thái Thuần/TTXVN |
Nhận định tình hình dịch, bác sĩ Phạm Hùng, Trưởng phòng kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, dịch Cúm A (H7N9) ở Trung Quốc, dịch cúm A (H5N1) ở Campuchia đã ghi nhận tại các tỉnh sát biên giới với nước ta. Hiện tượng gia cầm nhập lậu mặc dù đã được hạn chế song vẫn chưa triệt để, do đó vi rút cúm gia cầm có thể xâm nhập qua gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu vào nước ta và lây truyền sang người.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm nước ta gia tăng nhanh, trong khi đó việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong giết mổ của người dân còn hạn chế, việc sử dụng gia cầm nhập lậu, ốm, chết vẫn còn xảy ra. Dịch cúm gia cầm còn có thể bùng phát do chính đàn gia cầm bị lây truyền thông qua các đàn chim hoang dã, khó khăn trong việc kiểm soát lây lan qua đàn gia cầm nuôi. Đồng thời, thời gian qua, nước ta cũng đã ghi nhận sự lưu hành cúm A (H5N1), A(H5N6) trên đàn gia cầm và cúm A (H5N1) trên người.
Nguy cơ chợ gia cầm Trung Quốc đóng cửa thì gia cầm sẽ tràn sang Việt Nam, cần thiết phải tăng cường công tác kiểm soát nhập lậu gia cầm đặc biệt là các đường mòn và chợ trung chuyển. Hiện nay, các bộ ngành có trách nhiệm đã có kế hoạch kiểm soát.
Tính đến ngày 14/3/2017, tại Việt Nam ghi nhận các ổ dịch cúm gia cầm (H5N1) xảy ra tại 5 hộ chăn nuôi và cúm A (H5N7) cũng xảy ra tại 5 hộ chăn nuôi. Tuy nhiên, theo Cục Y tế dự phòng, tình hình dịch cúm sẽ diễn biến hết sức phức tạp. Nếu Việt Nam làm tốt công tác kiểm soát ở khu vực cửa khẩu, thì sẽ hạn chế đến mức thấp nhất dịch cúm gia cầm H7N9 xâm nhập vào nước ta. Do đó, cần mở rộng phạm vi, đối tượng giám sát, đặc biệt tại các địa phương có chung đường biên giới với Trung Quốc, Campuchia; chợ đầu mối giao lưu, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm. Khuyến cáo người dân đi du lịch đến những vùng có dịch và những người tiếp xúc với gia cầm, khi có triệu chứng phải được chăm sóc đặc biệt tại các cơ sở y tế.
Thách thức lớn nhất hiện nay trong kiểm soát cúm A/H7N9 là gia cầm nhiễm vi rút này không có biểu hiện rõ ràng về bệnh. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai cho các cơ quan liên quan giám sát ở các chợ đầu mối, các điểm buôn bán gia cầm sống nhưng chưa tìm ra vi rút cúm H7N9. Tuy nhiên, không vì thế mà người dân chủ quan.
Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo người dân thực hiện hành vi an toàn trong sử dụng gia cầm, đặc biệt không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc. Tránh tiếp xúc với gia cầm nghi ngờ nhiễm bệnh. Tuyệt đối không ăn tiết canh thủy cầm rất dễ bị nhiễm bệnh.
Ngành y tế các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh cúm. Mở rộng phạm vi giám sát dịch tại cộng đồng, đặc biệt tại các địa phương có chung đường biên giới với Trung Quốc, Campuchia, chuẩn bị đủ cơ sở thuốc, trang thiết bị, nhân lực phục vụ cho việc xác định, điều trị để sẵn sàng tiếp nhận điều trị bệnh nhân khi có dịch bệnh xảy ra; tập huấn, diễn tập nâng cao năng lực đáp ứng với các tình hướng về dịch bệnh cho cán bộ y tế; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là cơ quan thú y, hợp tác Quốc tế.