Cách đây 2 tháng cụ Trần Thị Ch. (107 tuổi, ở Cẩm Phả, Quảng Ninh) bị ngã đập mông xuống nền cứng, sau tai nạn tình trạng của cụ ngày càng nặng nề hơn, đùi phải sưng đau, không vận động chân được.
Khi được đưa tới khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, qua thăm khám và chụp X-quang, các bác sĩ chẩn đoán cụ Ch. bị gãy cổ xương đùi phải và được chỉ định mổ thay khớp háng nhân tạo.
Nhận định đây là bệnh nhân tuổi cao hiếm gặp, nguy cơ xảy ra rủi ro trong và sau phẫu thuật cao nên các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình đã tiến hành hội chẩn giữa khoa Tim mạch, Hồi sức tích cực, Gây mê hồi sức, tầm soát tất cả các bệnh lý đi kèm, dự phòng huyết khối và tiên lượng trước nguy cơ để có phương án phẫu thuật đảm bảo an toàn nhất cho người bệnh.
BS. Phạm Trung Đức, Phó Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Bệnh nhân tuổi cao với thể trạng gầy yếu, tim phổi kém hoạt động, chức năng hô hấp suy giảm nên chúng tôi quyết định không gây mê nội khí quản mà thực hiện gây tê tủy sống để hạn chế nguy cơ biến chứng. Quá trình gây tê tủy sống khó khăn do tuổi cao, giải phẫu cột sống cong vẹo, biến dạng so với bình thường, từ kinh nghiệm nhiều năm, kíp gây mê đã đảm bảo phương pháp vô cảm tốt, an toàn cũng như theo dõi sát các chỉ số sinh hiệu của bệnh nhân trong cuộc mổ để phẫu thuật viên yên tâm xử trí tổn thương”.
Ca mổ kéo dài trong 1 tiếng, diễn ra thuận lợi, bệnh nhân không mất nhiều máu, tỉnh táo hoàn toàn. Sau mổ, sức khỏe cụ Ch. đã ổn định, vết mổ khô, hiện bệnh nhân đã ngồi dậy được và sắp được xuất viện. Để đạt được kết quả cao trong điều trị, cùng với việc làm chủ kỹ thuật của phẫu thuật viên, các bác sĩ đã áp dụng nhiều tiến bộ trong điều trị như: Phối hợp sử dụng kháng sinh dự phòng hạn chế nguy cơ nhiễm trùng sau mổ, điều trị đau đa phương thức…
Theo BS. Phạm Trung Đức, gãy cổ xương đùi là một tai nạn hay gặp ở người cao tuổi, chủ yếu là do ngã trượt chân trên nền cứng, ngã đập vùng hông xuống đất. Phẫu thuật thay khớp háng hiện là phương pháp điều trị tối ưu đối với những ca gãy cổ xương đùi do chấn thương, giúp phục hồi chức năng vận động. Đây là kỹ thuật khó, được triển khai chủ yếu ở các bệnh viện lớn có đội ngũ phẫu thuật viên dày dặn kinh nghiệm cùng các trang thiết bị máy móc hiện đại.