Ông có thể đánh giá nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm hiện nay, có những dịch bệnh nào bất thường hay không?
Các dịch bệnh đang bùng phát hiện nay đều phụ thuộc vào các yếu tố thời tiết, sự dịch chuyển của người dân từ vùng này sang vùng khác và miễn dịch cộng đồng, mùa nào lưu hành dịch bệnh đó. Bên cạnh đó, thời gian qua, tỷ lệ tiêm chủng giảm cũng đã khiến miễn dịch cộng đồng giảm và làm nhiều dịch bệnh bùng phát.
Hiện nay, dịch sốt xuất huyết đang bùng phát ở cả miền Bắc và miền Nam vì đang vào mùa mưa, nhiều nơi nước tù đọng, khiến muỗi truyền bệnh sinh sôi và làm lây lan dịch. Giai đoạn giao mùa còn có thể bùng phát dịch cúm.
Thời điểm này cũng là giai đoạn học sinh bắt đầu năm học mới, có thể lây lan mạnh các dịch bệnh tay chân miệng, sởi, ho gà… nếu có mầm bệnh tại các trường học. Đặc biệt, nhiều địa phương đang phải đối mặt với lũ lụt, ô nhiễm môi trường, nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm cũng cao.
Các dịch bệnh truyền nhiễm liên quan đến bão lũ phát sinh do ô nhiễm môi trường, xác súc vật chết, bể tự hoại, phóng uế bừa bãi, thực vật thối rữa… gây ra vi khuẩn, virus gây bệnh. Đơn cử như các bệnh về đường tiêu hóa như: Tiêu chảy, thương hàn, tả, da liễu, nấm… dễ xuất hiện do môi trường không vệ sinh.
Thêm vào đó, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các dịch vụ tiêm chủng có gián đoạn, việc tiếp cận tiêm phòng bị giảm, một số vaccine trong chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) bị thiếu do cơ chế mua sắm. Thực tế trên cho thấy, các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát không hề bất ngờ.
Trong bối cảnh hiện nay, để tránh dịch chồng dịch cần có sự vào cuộc như thế nào, thưa ông?
Dịch bệnh có nhiều loại khác nhau, nên phải căn cứ vào từng loại dịch bệnh để có biện pháp phòng chống phù hợp. Đơn cử như với các bệnh lây lan qua giọt bắn, đường hô hấp, cần đẩy mạnh khâu vệ sinh, tránh tiếp xúc…; với các bệnh liên quan tới vaccine, phải đẩy mạnh tiêm chủng; các bệnh liên quan đến vectơ truyền bệnh như muỗi, cần vệ sinh môi trường, diệt muỗi, loăng quăng…
Việc phòng dịch bệnh không phải nhiệm vụ của riêng ngành Y tế, mà có trách nhiệm của cả chính quyền, các ngành, nhà trường… phải cùng vào cuộc có hiệu quả. Quan trọng là ý thức của người dân và cộng đồng trong chủ động phòng bệnh, mỗi người cùng thực hiện phòng bệnh sẽ hạn chế được sự lây lan của mầm bệnh trong cộng đồng.
Với những dịch bệnh đã có vaccine, việc thực hiện tiêm chủng cũng cần được triển khai hiệu quả, nhất là chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi trong trường học, Bộ Y tế đã có kế hoạch triển khai ở các địa phương có nguy cơ cao.
Với việc phòng dịch bệnh sau bão lũ hiện nay, cần chú ý phương châm “phòng hơn chống”, các địa phương cần phải thực hiện tốt kế hoạch phòng chống dịch đã có từ trước mùa mưa lũ. Trước đó, Bộ Y tế đã kế hoạch về tập huấn nâng cao năng lực phòng dịch bệnh, kế hoạch chuẩn bị thuốc của các cơ sở y tế để đáp ứng các tình huống dịch bệnh bùng phát.
Riêng ở các vùng ngập lụt, người dân cần chú ý khi nước rút đến đâu, xử lý môi trường ngay đến đó và cung cấp nước sạch. Cán bộ y tế cũng cần hướng dẫn người dân trong việc vệ sinh cá nhân, ăn uống nấu chín, rửa tay với xà phòng, vệ sinh môi trường để đảm bảo phòng dịch.
Ông đánh gía như thế nào về tình hình cung ứng vaccine hiện nay để đáp ứng phòng dịch, nhất là vaccine sởi, ho gà, bạch hầu... khi các dịch này đang có nguy cơ lây lan rộng?
Vừa qua, do cơ chế mua sắm dẫn đến thiếu vaccine, không phải do không có vaccine. Bộ Y tế đã tích cực vào cuộc, Chính phủ cũng đã giao Bộ Y tế mua sắm vaccine để chủ động trong phòng dịch bệnh. Điều này đã giải quyết được những khó khăn trong mua sắm vaccine cho chương trình TCMR, vì trước đây là do các địa phương thực hiện, nhưng hiện nay đã hết chương trình mục tiêu, dẫn đến thiếu hụt nguồn vaccine cho chương trình TCMR.
Bộ Y tế cũng đảm bảo vaccine phục vụ chống dịch. Vừa qua, WHO đã viện trợ hơn 1 triệu liều vaccine sởi cho Việt Nam, sử dụng để tiêm cho người dân những vùng đang có dịch và vùng có nguy cơ cao. Việc tổ chức tiêm chiến dịch sẽ bao phủ được cho những trẻ đã quá độ tuổi tiêm chủng. Nhà nước mới đang ưu tiên tiêm chủng miễn phí cho trẻ em trong chương trình TCMR và ưu tiên một số cho phụ nữ mang thai.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo với các trẻ nằm ngoài tuổi tiêm chủng có thể tiêm dịch vụ (kể cả với người lớn) để có đủ miễn dịch phòng các dịch bệnh bùng phát.
Trong bối cảnh nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát như hiện nay, người dân cần làm gì để chủ động phòng dịch, thưa ông?
Điều quan trọng nhất hiện nay là mỗi người dân cần chú trọng vấn đề vệ sinh cá nhân, phòng bệnh cộng đồng bằng cách: Đeo khẩu trang, rửa tay xà phòng, hạn chế đến những nơi đông người; tích cực diệt loăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường để phòng dịch sốt xuất huyết lây lan.
Người dân cũng cần chủ động phòng dịch bệnh bằng cách tiêm chủng với các bệnh đã có vaccine. Đây là một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Cần tiêm vaccine đúng lịch, đủ liều và tiêm chủng suốt đời để có miễn dịch đảm bảo.
Bộ Y tế khuyến cáo, khi tổ chức các chiến dịch tiêm chủng, người dân và các địa phương cần theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế. Bộ Y tế đã tuyên truyền nhiều về lịch tiêm chủng, các biện pháp phòng bệnh. Người dân cần chủ động tìm hiểu, có kiến thức phòng bệnh và thay đổi hành vi để đạt hiệu quả.
Xin trân trọng cảm ơn ông!