Điều này đặt ra thách thức cho hệ thống y tế, cần có các giải pháp linh hoạt, đi kèm với chính sách và nguồn lực phù hợp. Nhận định được đưa ra tại Hội nghị khoa học “Bệnh truyền nhiễm và các vấn đề y tế công cộng sau đại dịch COVID-19” do Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 22/11.
Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng, COVID-19 không chỉ làm thay đổi cách sống và làm việc của nhiều người mà còn đặt ra thách thức lớn về hệ thống y tế toàn cầu. COVID-19 nhấn mạnh tầm quan trọng của sức khỏe cộng đồng, đồng thời là lời nhắc nhở về sự mong manh của hệ thống y tế trước các bệnh truyền nhiễm. Cùng với đó, biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi như, sốt xuất huyết và bệnh lây truyền từ động vật sang người. Không ngoại lệ, Việt Nam đang đối mặt thách thức lớn trong kiểm soát các dịch bệnh này. Việc ứng phó đòi hỏi hệ thống y tế linh hoạt, đi kèm chính sách và nguồn lực phù hợp.
Bà Pratt cũng cho rằng, COVID-19 là minh chứng rõ nét cho khả năng ứng dụng công nghệ y tế. Mặc dù Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ nhưng hệ thống y tế còn nhiều lỗ hổng, đặc biệt trong dự báo, giám sát và ứng phó bệnh truyền nhiễm quy mô lớn. Để vượt qua thách thức này, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia, tổ chức quốc tế và ngành liên quan. WHO cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong cải thiện hệ thống y tế, xây dựng các giải pháp phòng, chống và kiểm soát bệnh truyền nhiễm hiệu quả hơn trong tương lai.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Trung, Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, COVID-19 gây ra tổn thất nặng nề chưa từng có, không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn tác động rất lớn tới kinh tế, xã hội và an sinh của người dân trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Nó tạo ra cách nhìn nhận mới về quan điểm, nhận định, dự báo, cách thức đáp ứng với đại dịch cũng như bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và sự kiện y tế công cộng khẩn cấp.
Sự quay trở lại của bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bùng phát các bệnh dịch mới nổi, sự gia tăng bệnh không lây nhiễm đang là gánh nặng thôi thúc chúng ta tiếp tục nghiên cứu về dịch bệnh và các vấn đề y tế công cộng để đưa ra giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Việt Nam là quốc gia nhiệt đới, đối mặt nhiều bệnh truyền nhiễm do sự gia tăng giao lưu, di chuyển dân cư và đô thị hóa. Một số bệnh như hô hấp, tiêu hóa hoặc các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine vẫn lưu hành, đặc biệt ở khu vực có điều kiện dịch tễ đặc thù. Với nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về y tế dự phòng, y tế công cộng khu vực phía Nam, 5 năm qua, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh tích cực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các phần mềm phân tích dữ liệu, mô hình hóa và dự báo dịch. Theo đó, Viện xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu lớn, kết nối chặt chẽ với mạng lưới trung tâm phòng, chống bệnh tật (CDC) và các cơ sở y tế thuộc 20 tỉnh, thành phố trên cả nước.
“Các công cụ AI đã được sử dụng hiệu quả trong dự báo dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng và đặc biệt là COVID-19. Mới đây, Việt Nam ghi nhận một số ca bệnh nhiễm đậu mùa khỉ, được phát hiện nhờ hệ thống xét nghiệm của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh và đã triển khai biện pháp cách ly, điều trị kịp thời, giúp ngăn chặn bệnh lây lan”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Trung thông tin.
Hội nghị chia sẻ, cập nhật kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất về bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi, kháng kháng sinh, nghiên cứu vaccine mới, quản lý chất lượng phòng xét nghiệm, bệnh không lây nhiễm cũng như vấn đề y tế công cộng khác sau COVID-19. Hội nghị cũng là nơi chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm giữa các nhà khoa học, nhà hoạt động chính sách, nhà quản lý đến từ đơn vị trong và ngoài ngành Y tế, viện nghiên cứu, trường đại học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, bệnh viện… trong và ngoài nước.