Bình Định: Khắc phục nhanh khó khăn để phục vụ công tác khám, chữa bệnh

Do khó khăn kéo dài từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, từ đầu năm đến nay, đã có 13 bác sỹ cùng hàng chục điều dưỡng, kỹ thuật viên, viên chức khác của ngành Y tế tỉnh Bình Định nghỉ việc. Tình trạng này đang có xu hướng gia tăng.

Chú thích ảnh
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định phát triển lĩnh vực cấp cứu hồi sức phục vụ người bệnh. Ảnh tư liệu Dương Ngọc/TTXVN

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định Lê Quang Hùng thông tin: Tất cả các đơn vị trong ngành y tế tỉnh Bình Định đều đang gặp khó khăn về nguồn thu do dịch COVID-19 kéo dài từ năm 2020 đến tháng 5/2022. Trong suốt 2 năm rưỡi qua, các đơn vị y tế có nguồn thu thấp, không đủ trả lương cho nhân viên y tế nên UBND tỉnh Bình Định phải cấp bù kinh phí và nhân viên y tế cũng không có thu nhập nào khác ngoài lương. Riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định có khoảng 1.500 nhân viên là bệnh viện cấp 1, tự chủ chi thường xuyên thì thu cũng chỉ đủ bù chi, chưa kể phần thuốc và các khoản nợ.

“Các trung tâm y tế thì tình hình càng nghiêm trọng hơn, thu chỉ đủ 50 – 60% khoản chi. Thu nhập thấp cộng với áp lực công việc dẫn đến tâm lý nhân viên y tế có nhiều biến động, nhiều bác sỹ, nhân viên y tế nghỉ việc. Tình trạng này thật sự đáng báo động vì có nguy cơ lan rộng, tăng cao trong thời gian tới vì mỗi năm, cả ngành Y tế tỉnh Bình Định tuyển dụng chưa đến 30 bác sỹ” – bác sỹ Hùng chia sẻ.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định là đơn vị có số bác sỹ, nhân viên y tế bỏ việc nhiều nhất. Phó Giám đốc Bệnh viện, bác sỹ Võ Thành Nam Bình cho biết: Đã có 31 người của Bệnh viện nghỉ việc gồm 7 bác sỹ, 9 điều dưỡng và 15 viên chức khác. Trong số 7 bác sỹ nghỉ việc có 1 bác sỹ y khoa, 4 bác sỹ chuyên khoa cấp 1, 1 bác sỹ nội trú, 1 thạc sỹ bác sỹ.

Từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, ngành y tế là lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và thực tế đã gặp rất nhiều khó khăn. Trong số những khó khăn dẫn đến thu nhập của nhân viên ngành y tế xuống thấp trong thời gian qua có nguyên nhân từ những quy định của lĩnh vực bảo hiểm y tế. Theo bác sỹ Lê Quang Hùng, các định mức thanh toán của Bảo hiểm y tế khá cứng nhắc, không thích ứng với tình hình dịch COVID-19. Việc Bảo hiểm xã hội không chấp nhận thanh toán, dẫn đến ngành y tế gặp khó khăn. Trong thời gian ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bảo hiểm xã hội tính số lượng bệnh nhân ít nhưng chi phí bình quân thì tăng cao nên không chấp nhận thanh toán; trong khi thực tế là chỉ những bệnh nhân nặng thì mới vào viện.

Được biết, nguồn thu lớn nhất của các bệnh viện và trung tâm y tế là từ bảo hiểm. Đơn cử như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, khoảng 85% nguồn thu dựa vào thu từ bảo hiểm, còn các trung tâm y tế cấp huyện thì con số này lên đến 90 – 95%. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng quỹ bảo hiểm y tế đang dôi dư rất lớn. Trong 2 năm 2020 - 2021, dự toán bảo hiểm y tế có số dư cao. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng dự toán về bảo hiểm y tế giao cho tỉnh Bình Định là hơn 1.100 tỉ đồng; thế nhưng trong 5 tháng đầu năm, số được dùng chỉ là 348 tỉ đồng.

Không chỉ nhân viên y tế mà bệnh nhân cũng gặp khó khăn trong điều trị bệnh. Vì những quy định pháp lý, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, việc tổ chức đấu thầu chậm, nhiều loại thuốc chưa được cấp phép và cả việc hàng loạt các loại thuốc, hóa chất xét nghiệm, trang thiết bị y tế không được công khai giá trên mạng nên các tổ chức y tế không được phép mua. Nhiều bệnh nhân muốn phẫu thuật phải tự mua một số loại thuốc, hóa chất xét nghiệm và vật tư, thiết bị y tế. Thực tế này dẫn đến việc người bệnh không được khám, chữa bệnh một cách phù hợp, tốt nhất.

Trước tình trạng khó khăn của ngành Y tế, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội động nhân dân tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã chỉ đạo Sở Y tế báo cáo cụ thể với Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, báo cáo Tỉnh ủy Bình Định để co các biện pháp tức thời khắc phục khó khăn.

“Trên tinh thần phải khắc phục nhanh nhất những khó khăn của ngành Y tế tỉnh Bình Định để phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân tốt nhất có thể, không được để người dân, người bệnh thiệt thòi” – ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu.

Kha Phạm (TTXVN)
Bà Rịa-Vũng Tàu: Tồn kho nhiều thuốc và vật tư y tế phòng, chống COVID-19
Bà Rịa-Vũng Tàu: Tồn kho nhiều thuốc và vật tư y tế phòng, chống COVID-19

Báo cáo từ Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, hiện trong kho của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh còn hàng trăm ngàn viên thuốc và vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19 tồn kho, trong đó có loại thuốc kháng virus nguy cơ hết hạn sử dụng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN