Đặc biệt, từ năm 2020 (khi đại dịch COVID-19 diễn ra) đến nay đã có 206 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 96 bác sĩ (chiếm khoảng 47%). Thực trạng này gây ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Theo ông Trịnh Hữu Hùng, nguyên nhân chính của việc thiếu thuốc, vật tư y tế là tâm lý lo ngại bị kiểm tra, thanh tra nên các cơ sở y tế không dám đấu thầu. Việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế có lúc, có nơi xuất phát từ nhu cầu bị động, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật. Nhiều gói thầu phải mua theo hình thức chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong tình trạng khẩn cấp để phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh và chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, nhà cung cấp lo ngại việc cung cấp trang, thiết bị vật tư y tế có giá chưa hợp lý; thủ tục đấu thầu, thanh toán còn phức tạp.
Nguyên nhân thực trạng nhiều nhân viên y tế nghỉ việc là do các y, bác sĩ tại những cơ sở khám, chữa bệnh, điều trị COVID-19 bị áp lực công việc nặng nề và luôn cảm thấy mệt mỏi. Với những cơ sở ít hoặc không điều trị bệnh nhân COVID-19, số lượng người đến khám chữa bệnh giảm nhiều, ảnh hưởng đến nguồn thu của các đơn vị dẫn đến thu nhập của nhân viên y tế bị giảm mạnh.
Để hạn chế tình trạng nhân viên y tế, bác sĩ nghỉ việc, ông Trịnh Hữu Hùng kiến nghị, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa ngoài hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị, cần có thêm chính sách hỗ trợ theo đầu giường bệnh; đồng thời đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam thanh toán chi phí vượt định mức kinh tế, kỹ thuật năm 2017-2018 cho các cơ sở khám, chữa bệnh, với tổng số tiền là 203 tỷ đồng.