Bệnh nhân COVID-19 nặng vẫn còn những triệu chứng dai dẳng

Nhiều bệnh nhân COVID-19 sau thời gian dài nằm viện điều trị, tuy đã khỏi bệnh nhưng sau đó vẫn chưa thể hồi phục ngay thậm chí còn ảnh hưởng rất nặng nề đến sức khoẻ, kéo dài nhiều ngày, có khi tới vài tháng.

Chú thích ảnh
Điều trị bệnh nhân COVID-19. Ảnh: BVHN

Nhiều trường hợp dai dẳng, lâu hồi phục

Những ngày gần đây, Ths.BS Lê Xuân Hà, Bệnh viện Hữu nghị, người từng trực tiếp tham gia điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn phải thường xuyên theo sát diễn biến sức khoẻ và hỗ trợ, hướng dẫn chăm sóc tại nhà cho một số bệnh nhân COVID-19 từng nằm điều trị tại ICU đã ra viện.

Bệnh nhân T.N.L (27 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh) từng diễn biến nặng phải nằm điều trị ICU; sau ra viện hơn 2 tuần bệnh nhân vẫn phải chống chọi với các triệu chứng “hậu COVID-19”. Bệnh nhân sút cân, gầy rộc, đi lại còn khó khăn, nhịp tim nhanh. Vẫn “bám sát” bác sĩ từng ngày, bệnh nhân phải liên tục nhắn tin cho bác sĩ để nhờ theo dõi diễn biến các triệu chứng, tập luyện theo hướng dẫn để hồi phục.

Hay bệnh nhân N.T.T (60 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh) cũng gặp tình trạng suy nhược cơ thể sau khi xuất viện, tuy đã khỏi bệnh và đủ điều kiện ra viện nhưng bệnh nhân vẫn chưa thở được như bình thường.

Ths.BS Lê Xuân Hà chia sẻ: “Tình trạng “hậu COVID-19” với các bệnh nhân đã chữa khỏi COVID-19 cũng là vấn đề đáng quan tâm; một số người bệnh các triệu chứng này còn kéo dài, dai dẳng và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của họ. Chúng tôi vẫn đang theo dõi cho các bệnh nhân sau ra viện, thậm chí vẫn phải theo dõi các chỉ số hàng ngày cho bệnh nhân”.

Thời gian gần đây, khi số lượng ca bệnh COVID-19 tăng cao, nhiều bệnh nhân diễn biến nặng, vì vậy việc chăm sóc cho người bệnh sau xuất viện cũng là vấn đề cần quan tâm. Bởi các triệu chứng “hậu COVID-19” thậm chí còn phức tạp không kém khi bệnh nhân đang điều trị.

Chú trọng điều trị, theo dõi sức khoẻ sau xuất viện

Theo các bác sĩ, nhiều người bệnh COVID-19 khi khỏi bệnh trở về nhà vẫn xuất hiện các triệu chứng như: Mệt mỏi, tức ngực, khó thở, căng thẳng, rụng tóc… kéo dài trong nhiều tuần, thậm chí vài tháng. Những người mắc phải “hội chứng hậu COVID-19” vẫn cần được chăm sóc, tư vấn, thực hiện chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý, thăm khám định kỳ… để hồi phục sức khoẻ.

Theo TS. Phạm Như Hùng, Tổng Thư ký Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam, một số bệnh nhân cũng có thể gặp các triệu chứng tổn thương tim khi mắc COVID-19. Bệnh nhân sau mắc COVID-19, nên đến khám tim mạch 6 tháng/lần, nhất là khi xuất hiện các triệu chứng, như: Khó thở, đau ngực, nhịp tim nhanh hoặc không đều… để được tầm soát lại các tổn thương tim.

TS.BS Hoàng Thị Hoa Lý, Chánh Văn phòng Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết: “Giai đoạn hậu COVID-19 có thể kéo dài tới 6 - 9 tháng, có những người rất nhanh hết nhưng những người bệnh có chuyển biến nặng thì giai đoạn hậu COVID-19 có thể sẽ vẫn còn nhiều triệu chứng dai dẳng như: Khó thở, tức ngực, đau các cơ, ăn kém, suy nhược cơ thể, mệt mỏi, sụt cân, stress về tâm lý, tinh thần. Giai đoạn này cũng rất quan trọng, cần phải điều trị để người bệnh nhanh hồi phục”.

Theo đó, người bệnh vẫn cần áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp. Trong đó với Y học cổ truyền, có thể áp dụng cho bệnh nhân các bài thuốc nâng cao thể trạng để họ giảm suy nhược; điều trị bằng các phương pháp không dùng thuốc như: Tập thở để tăng thông khí phổi vì những bệnh nhân sau mắc có nhiều người bị tràn dịch màng phổi, phổi trắng, giảm các chức năng thông khí, suy hô hấp… Khi dùng các phương pháp y học cổ truyền tập thở, tập dưỡng sinh để tăng thông khí phổi sẽ làm giảm các triệu chứng này ở phổi.

Với các bệnh nhân bị stress về tâm lý, có thể tập thiền, các biện pháp dưỡng sinh y học cổ truyền để thay đổi trạng thái tâm lý.

“Về chế độ ăn uống, phác đồ trong y học cổ truyền cũng có y thực trị để dùng cho những người sau mắc COVID-19. Cụ thể, với những người triệu chứng khi bị bệnh sẽ có chế độ ăn khác nhau, sẽ có tư vấn cụ thể với từng trường hợp người bệnh. Bên cạnh đó còn có các bài thuốc bổ của y học cổ truyền như: Bài thuốc thập toàn đại bổ, sâm tô ẩm, các bài để điều trị... hỗ trợ người bệnh mau hồi phục. Các bài thuốc y học cổ truyền đã có đánh giá tác dụng từ ngàn xưa, trong các trường hợp suy nhược cơ thể được sử dụng hiệu quả”, TS.BS Hoàng Thị Hoa Lý cho biết.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh đã qua đỉnh dịch, số bệnh nhân nặng phải thở máy ngày càng giảm
TP Hồ Chí Minh đã qua đỉnh dịch, số bệnh nhân nặng phải thở máy ngày càng giảm

Chiều 26/9, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã qua đỉnh điểm của dịch cũng như việc chống dịch đang ở mức độ có hiệu quả rất tốt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN