CDC Hà Nội cho biết, tuần qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 18 trường hợp mắc ho gà, tăng 2 ca mắc so với tuần trước đó.
Các ca mắc ho gà phân bố tại 11 quận, huyện; các địa bàn có số ca mắc cao như: Hoài Đức (4 ca); Hoàng Mai (3 ca); Thạch Thất (2 ca), Thanh Trì (2 ca)...
Theo nhận định của đại diện CDC Hà Nội, các ca bệnh ho gà hiện được ghi nhận rải rác, tập trung chủ yếu ở nhóm trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine có thành phần ho gà.
Nếu trẻ không được tiêm chủng đầy đủ, không có miễn dịch đầy đủ thì dễ tạo ra những khoảng trống miễn dịch, từ đó có thể trở thành những ổ dịch trong cộng đồng.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, biểu hiện đặc trưng khi trẻ mắc ho gà gồm:
- Khởi đầu, trẻ có thể không sốt hoặc sốt nhẹ.
- Bệnh nhân đau đầu, chảy nước mũi, mệt mỏi, chán ăn và ho.
- Đặc điểm đặc trưng của cơn ho gà là: Trẻ ho rũ rượi, liên tục, không thể kìm hãm được; sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy; cuối cơn ho trẻ thường bị chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn.
Bệnh nhân mắc ho thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bội nhiễm; bệnh có thể gây biến chứng viêm phế quản, viêm phổi, đặc biệt ở trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh ho gà, trẻ suy dinh dưỡng.
Để phòng bệnh ho gà, Bộ Y tế khuyến cáo, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine có thành phần ho gà đầy đủ, đúng lịch.
Đồng thời, để phòng bệnh lây lan, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày.
Người dân cần giữ nơi ở, lớp học được thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
Đặc biệt, khi cha mẹ thấy trẻ có dấu hiệu mắc ho gà hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần cho trẻ nghỉ học, cách ly và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng.
Lịch tiêm vaccine ho gà cho trẻ vào các thời điểm:
- Mũi 1: Tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi.
- Mũi 2: Tiêm sau mũi 1 một tháng.
- Mũi 3: Tiêm sau mũi 2 một tháng.
- Mũi 4: Tiêm nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi.