Đây là lần đầu tiên virus được tái tạo thành công bên ngoài Trung Quốc, bước đột phá này được kỳ vọng sẽ góp phần chống lại dịch bệnh nguy hiểm đang lây lan toàn cầu này.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Nhiễm trùng và miễn dịch Peter Doherty ở Melbourne, Australia, khẳng định sẽ chia sẻ mẫu virus với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các phòng thí nghiệm trên toàn cầu. Trước đó, mặc dù Trung Quốc đã nhanh chóng thành công trong việc phân tích chuỗi gen, song lại từ chối việc chia sẻ virus với các phòng thí nghiệm trên thế giới.
Mẫu virus này dự kiến sẽ được đưa tới mạng lưới các phòng thí nghiệm y tế công của Australia, cũng như các phòng thí nghiệm chuyên môn đang hợp tác chặt chẽ với WHO tại châu Âu. Bên cạnh đó, mẫu virus này cũng sẽ được dùng để kiểm tra kháng thể, qua đó cho phép việc phát hiện virus đối với những bệnh nhân còn chưa có triệu chứng, cũng như góp phần vào việc phát triển vaccine phòng ngừa.
Người đứng đầu phòng thí nghiệm xác định virus của Viện Peter Doherty Julian Druce nhấn mạnh với việc có được mẫu virus 209-nCoV thực sự, giờ đây các nhà nghiên cứu sẽ có thể xác nhận và kiểm chứng lại toàn bộ các phương pháp xét nghiệm, đồng thời so sánh độ nhạy bén và các đặc điểm của chúng.
Viện Peter Doherty đã nuôi cấy virus corona mới trên tế bào được lấy từ một bệnh nhân đã tới đây vào ngày 24/1 vừa qua. Viện nghiên cứu này hoạt động với sự hợp tác giữa Đại học Melbourne và Bệnh viện Hoàng gia Melbourne.
Chính phủ, các trường đại học và các tập đoàn dược phẩm trên toàn thế giới đang gấp rút phát triển vaccine chống lại virus corona mới được cho là xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, song quá trình này sẽ mất nhiều tháng. Tính đến thời điểm này, Trung Quốc đã xác nhận 5.974 trường hợp nhiễm bệnh với 132 ca tử vong. Chính quyền trung ương Trung Quốc đã khoanh vùng dịch bệnh và phong tỏa hoạt động đi lại của hơn 50 triệu người dân tại thành phố Vũ Hán và các địa phương lân cận nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.