Trong năm, cả nước có hơn 150 triệu lượt người đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Hệ thống khám chữa bệnh đã tiếp nhận số lượng người bệnh tăng gần 30% so với năm 2022 và giai đoạn dịch COVID-19.
Tháo gỡ dần từng các khó khăn, vướng mắc
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, năm 2023, trong bối cảnh cần giải quyết những vướng mắc, bất cập bộc lộ sau đại dịch COVID-19, ngành Y tế đã xác định và lựa chọn những vấn đề ưu tiên, trong đó công tác xây dựng thể chế được xác định là ưu tiên hàng đầu.
Ngành Y tế đã tăng cường lắng nghe thực tiễn, hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ dần từng bước các khó khăn, vướng mắc trong phòng, chống dịch bệnh, chế độ chính sách, giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, vaccine, cơ chế tài chính, bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp củng cố năng lực sau dịch bệnh như tăng cường nguồn lực đầu tư, chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực y tế, tăng cường chỉ đạo như tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh…
Năm 2023, dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác tiếp tục được kiểm soát tốt. Ngành tập trung cùng địa phương bảo đảm tiêm chủng vaccine phòng bệnh, không để xảy ra dịch chồng dịch; tập trung phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành (sốt xuất huyết, tay chân miệng,…), các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi (đậu mùa khỉ…). Bên cạnh đó, công tác , chống các bệnh không lây nhiễm ngày càng được chú trọng, quan tâm; triển khai nhiều hoạt động cộng đồng về dự phòng, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng, rèn luyện thể lực.
Ngành từng bước tháo gỡ các tồn tại, bất cập đã được bộc lộ thời gian qua về mua sắm thuốc, vật tư y tế và vaccine; xây dựng cơ chế thanh toán chi phí khám, chữa bệnh; tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Ngành tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy; triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phát triển y tế cơ sở; tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức, hoàn thiện quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức những đơn vị thuộc Bộ bảo đảm tinh gọn, giảm đầu mối, hiệu lực, hiệu quả.
Nhờ đó, hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường phục hồi mạnh sau COVID-19. Các dịch vụ y tế ngày một đa dạng, chất lượng được nâng lên rõ rệt, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh được đầu tư xây dựng hiện đại và đồng bộ, các tiến bộ khoa học được áp dụng mang lại hiệu quả vượt bậc.
Tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Ðào Hồng Lan, Bộ Y tế đã chỉ đạo và khuyến khích các đơn vị trong ngành tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ y học hiện đại vào các lĩnh vực điều trị và dự phòng, nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và tạo điều kiện cho người dân Việt Nam tiếp cận với các kỹ thuật y học mới của thế giới.
Nhờ đó, hệ thống các bệnh viện từ trung ương đến địa phương đã đầu tư, ứng dụng trang thiết bị, kỹ thuật công nghệ cao như: CTscan, MRI, PET-CT, Gama Knife, xạ trị, công nghệ gene, sàng lọc ung thư sớm, sàng lọc trước sinh, xét nghiệm tiền sản giật, ứng dụng công nghệ laser vào y học, thực hiện phẫu thuật nội soi một lỗ, phẫu thuật nội soi lồng ngực trẻ dưới 12 tháng, ứng dụng robot trong phẫu thuật đến các kỹ thuật vi phẫu tạo hình, can thiệp tim mạch, ghép tạng, ghép tế bào gốc, lọc máu liên tục trẻ sơ sinh, ECMO, hạ thân nhiệt chỉ huy... đã mang lại nhiều hy vọng và cuộc sống mới cho người bệnh.
Trong năm 2023, các thầy thuốc của Bệnh viện K đã ứng dụng robot thế hệ mới nhất vào điều trị ung thư đường tiêu hóa cho bệnh nhân. Phẫu thuật này có nhiều ưu điểm hơn so với phẫu thuật mổ mở hay nội soi thông thường. Đó là hình ảnh quan sát rõ nét (hình ảnh trường mổ 3D độ phân giải cao), các cánh tay robot có độ linh hoạt cao giúp giúp phẫu thuật viên thao tác chính xác, phẫu tích tỉ mỉ, chi tiết, lấy được tối đa tổ chức ung thư, bảo tồn tối đa tổ chức lành, các mạch máu, thần kinh. Ðộ di chuyển tự do của dụng cụ lên đến 520 độ giúp cánh tay robot hoạt động linh hoạt như cổ tay của con người. Phẫu thuật robot đảm bảo thẩm mỹ, sang chấn tối thiểu, không chảy máu, giảm đau tối đa, giảm thời gian nằm viện trong khi kết quả điều trị ung thư vẫn được đảm bảo. Bệnh nhân hồi phục rất nhanh sau mổ, có thể ngày thứ nhất, thứ 2 đã đi lại bình thường, ngày thứ 3 có thể xuất viện.
Việc thực hiện ứng dụng các kỹ thuật mới hiện đại vào khám, điều trị bệnh, đặc biệt là trong phẫu thuật điều trị đã mang lại bước tiến đáng kể cho người bệnh trong quá trình phục hồi, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Mới đây nhất, 9/2/2024 (tức 30 Tết Giáp Thìn 2024), trên 150 cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tham gia ca lấy - ghép đa tạng từ người cho chết não lần thứ 5. Bệnh viện đã lấy - ghép 8 mô tạng gồm tim, gan, thận, thận - tụy, 2 tay, 2 giác mạc (trong đó có 2 tạng lần đầu thực hiện tại Bệnh viện là ghép tim và ghép tụy - thận), đồng thời lấy phổi điều phối cho Bệnh viện Phổi Trung ương thực hiện ca ghép khác.
Chia sẻ về sự kiện trong cùng một thời gian rất ngắn (khoảng 11 tiếng đồng hồ) đồng thời lấy, ghép thành công đa mô, tạng tại Bệnh viện, Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hữu Song, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: “Đối với cuộc “đại phẫu thuật” lần này, Bệnh viện chủ động hoàn toàn về công tác tổ chức, điều phối và thực hiện. Bệnh viện đã huy động hơn 150 cán bộ nhân viên tham gia gồm chuyên gia của các chuyên ngành, cơ quan tổ chức, điều phối, hậu cần, trang bị, công nghệ thông tin, công tác xã hội… để lấy-ghép đồng thời các mô, tạng gồm: Tim, phổi, gan, thận, tụy, chi thể, giác mạc và tổ chức chu đáo hậu sự cho người bệnh chết não hiến đa mô, tạng”.
Lá phổi được điều phối cho Bệnh viện Phổi Trung ương tiến hành ghép thành công cho cô gái 21 tuổi không may mắc bệnh phổi giai đoạn cuối. Người bệnh phải thở oxy dài hạn tại nhà, luôn cần người hỗ trợ các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
Bệnh viện Phổi Trung ương đã huy động khoảng 80 nhân lực trực tiếp tham gia (nhiều nhân lực khác sẵn sàng điều động, làm việc trực tuyến), đồng thời có sự phối hợp, hỗ trợ từ Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện 108, Bệnh viện E, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Tim Hà Nội...
12 giờ sau mổ, người bệnh đã tỉnh, tự thở những hơi thở đầu tiên của hai lá phổi mới. Ngay trong ngày đầu tiên sau ghép phổi, người bệnh đã phục hồi tốt, các chỉ số hô hấp ổn định.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đánh giá đây là một bước đột phá trong phát triển kỹ thuật y học chuyên sâu, thể hiện trình độ, năng lực của các y, bác sĩ nước nhà trên bản đồ y khoa thế giới; sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, khoa học, hiệu quả giữa các bộ phận tham gia trong quá trình ghép bộ phận cơ thể người.