Y tế dự phòng - Bài 3: Chớ nên 'buộc chỉ chân voi'

Bất cứ người nào cũng nói được câu“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”; nhưng thực tế hệ thống y tế dự phòng chưa được nhiều địa phương và chính ngành y tế quan tâm, đầu tư đúng mức.


Nhận thức về phòng bệnh kém


Y tế dự phòng (YTDP) có khả năng giúp người dân ngăn chặn bệnh tật ngay từ khi nó chưa xảy ra, giúp người dân tăng cường sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời giảm được khoản ngân sách rất lớn của cả xã hội trong điều trị bệnh tật cho cộng đồng.


Cán bộ Trung tâm y tế huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, đang làm việc trong điều kiện thiếu thốn trang thiết bị, cơ sở vật chất chật hẹp, ẩm thấp. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Chính vì lẽ đó, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chú trọng đến công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, cũng chính là phát triển công tác YTDP.


“Nhưng sự đầu tư cho giám sát và dự phòng chủ động thời gian qua còn rất hạn chế; chưa tương xứng với các quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác YTDP. Nhiều địa phương chỉ đầu tư, cấp kinh phí khi có dịch xảy ra. Thậm chí có lúc dịch hết rồi vẫn chưa nhận được kinh phí hỗ trợ. Vậy nên việc đầu tư chủ yếu là cho các hoạt động chống dịch hơn là phòng dịch”, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ,cho biết. 


Khảo sát của Bộ Y tế về việc “Dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng” được quy định tại Nghị quyết 18 ngày 3/6/2008 của Quốc hội cho thấy: Ngân sách mà các địa phương dành chi bình quân cho YTDP chỉ chiếm 15,8% ngân sách chi cho y tế, có nơi chỉ 7 - 8%.


Sau đó, vì nhiều lý do nên khi về tới các Trung tâm YTDP thì số kinh phí này chỉ còn rất ít, ngân sách chi cho hoạt động chuyên môn chỉ còn từ 3 - 7%.


Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân chính của những bất cập nêu trên là sự nhận thức về phòng bệnh trong các cấp lãnh đạo còn hạn chế. Nhiều tỉnh/thành phố và bộ/ngành chỉ chú trọng đầu tư để thay đổi “bộ mặt” của các BV chứ hiếm khi “ngó ngàng” tới YTDP. Do đó, nhiều nơi thụ động trong chỉ đạo các hoạt động phòng, chống dịch, đa phần đều phó mặc và coi đó là công việc của ngành y tế.


“Tôi còn nhớ, trong một lần thảo luận giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính về vấn đề tập trung kinh phí cho hệ điều trị nhiều còn cho YTDP thì quá ít, một cán bộ của Bộ Tài chính lý giải: “Cần phải đầu tư cho BV nhiều hơn vì hiện nay có quá nhiều bệnh nhân, cho tới khi nào hết bệnh thì mới đầu tư cho YTDP”.


Thử hỏi với những cách nghĩ như thế thì làm sao tránh khỏi những quyết định thiếu chính xác trong việc đầu tư cho công tác YTDP”, GS.TS Nguyễn Trần Hiển chia sẻ.


Ngành y tế cũng lơ là


Nhiều địa phương chưa nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của việc phòng bệnh nên lơ là đầu tư cho YTDP là chuyện không mấy khó hiểu. Song, bản thân ngành y tế có quan tâm tới YTDP đúng mức và đầu tư ngân sách cho hoạt động này thế nào?


Dù đã đặt câu hỏi này cho rất nhiều chuyên gia y tế, bao gồm cả những giáo sư đầu ngành phụ trách lĩnh vực YTDP của Bộ Y tế nhiều năm, nhưng đến nay phóng viên Tin tức chưa có câu trả lời rõ ràng, phần lớn chỉ là những nụ cười thoáng buồn.


Chỉ biết rằng, trong một hội nghị tổng kết ngành y tế mới đây, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, đã khẳng định: “Việc đầu tư nâng cấp các BV trong hệ thống điều trị là cần thiết vì đây là một trong những giải pháp để giảm quá tải BV, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Nhưng muốn giải quyết được tình trạng dịch “đến hẹn lại lên” và cả vấn đề quá tải BV thì cần phải đầu tư cho YTDP tương đương hệ điều trị. Nhưng nhiều năm nay, trong khi hệ điều trị có rất nhiều dự án đầu tư thì hệ YTDP lại chỉ có có một số ít dự án tài trợ của các tổ chức quốc tế...”.


GS.TS Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế đã thẳng thắn rằng: “Ngành y tế chưa quan tâm đúng mức tới việc đầu tư cho YTDP. Ví dụ rất điển hình là trong khi hệ thống điều trị liên tiếp được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng từ Đề án 47 (năm 2008) để xây dựng, cải tạo BV tuyến huyện và Đề án 930 (năm 2009) xây dựng, nâng cấp các bệnh tuyến tỉnh; thì không hề có một nguồn ngân sách lớn nào để xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất cho hệ thống YTDP. Khi ngành y tế chỉ đề xuất dự án A, dự án B là đầu tư cho BV tuyến tỉnh, tuyến huyện và Chính phủ đã phê duyệt đề xuất đó thì làm sao có thể bớt tiền ra để nâng cấp cơ sở vật chất cho YTDP được, mà dù có cắt xén một vài nơi để dành cho YTDP thì cũng manh mún...”.


Chia sẻ với PV Tin tức về vai trò của YTDP so với hệ điều trị trong hệ thống y tế nói chung, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam phân tích: “Hiện tại, không ít cán bộ y tế, thậm chí là những người ở vị trí lãnh đạo nghĩ rằng có tập trung vào những vấn đề chuyên sâu, phát triển kỹ thuật cao thì mới tạo cho ngành y một diện mạo mới hoặc thu hút được ngoại tệ cho Việt Nam. Nhưng đây là cách nghĩ sai lầm, phát triển y tế theo chiều hướng này chưa phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Nếu chỉ chú trọng cho hệ điều trị thì hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, cũng chính là hệ YTDP sẽ bị ảnh hưởng, dần dần sẽ bị “mất gốc”. Như vậy, bờ đê ngăn ngừa dịch bệnh sẽ suy yếu và khó lòng kiểm soát khi dịch bệnh xảy ra”.


GS Hùng tâm sự, khi được may mắn tham gia ca ghép tạng đầu tiên tại Việt Nam, ông hân hoan nghĩ rằng việc tập trung vào các kỹ thuật chuyên sâu tương tự là rất tốt vì sẽ cứu sống được những người bệnh không may mắc bệnh hiểm nghèo. Nhưng sau này, khi được giao phụ trách hệ thống y tế cơ sở thì ông đã nhận ra rằng: “Phát triển một kỹ thuật cao, trị giá hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng có thể chỉ cứu sống được 1 con người, có thể rạng danh cho một BV và tạo thành tích nổi bật cho cả ngành y tế. Tuy nhiên, nếu dùng số tiền đó cho công tác YTDP, để giúp người dân hiểu và tránh được những yếu tố nguy cơ gây bệnh thì sẽ giúp hàng trăm, thậm chí cả triệu người không mắc bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng khả năng lao động và đóng góp vật chất cho xã hội...”.


Rõ ràng, ý chí và sự hoạch định chính sách của những nhà lãnh đạo luôn có vai trò rất quan trọng, chỉ khi nào họ “hiểu” thì mới “thương” và có những quyết sách đầu tư tương xứng với tầm quan trọng của hệ thống YTDP. Nếu cứ mãi “buộc chỉ chân voi” như hiện nay thì e rằng dịch bệnh sẽ cứ “đến hẹn lại lên” và “bệnh” quá tải bệnh viện sẽ ngày một trầm kha.



Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN