Xử lý vụ án xâm hại tình dục trẻ em tại quận Hoàng Mai là quá chậm

Tại buổi tọa đàm “Xâm hại tình dục trẻ em: Im lặng hay lên tiếng?” diễn ra chiều ngày 14/3, Luật sư Lê Văn Luân (người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bé giá 8 tuổi tại quận Hoàng Mai, Hà Nội bị xâm hại) cho rằng: "Quá trình xử lý vụ án của cơ quan chức năng quận Hoàng Mai quá chậm, ảnh hưởng tới tinh thần của nạn nhân".

Quang cảnh tọa đàm.

Theo luật sư Lê Văn Luân, sự việc xảy ra vào ngày 8/1/2017, khi cháu H.T.H (8 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội), đang chơi cùng bạn ở ngách 250/31/41 Tân Mai thì bị một đối tượng giở trò đồi bại, làm cháu bị đau ở bộ phận sinh dục. 


Khi phát hiện ra sự việc, gia đình đã có đơn tố cáo đối tượng xâm hại là Cao M.H. (SN 1983, quê Thái Bình, tạm trú tại Hoàng Mai, Hà Nội). Ngày 10/1, gia đình đưa cháu đi khám và xác định những tổn hại do hành vi xâm hại gây ra.


Tuy nhiên, đầu tháng 3/2017, chị N.T.L (mẹ nạn nhân) nhận được thông báo của Công an quận Hoàng Mai về kết quả giải quyết tố giác tội phạm. 


Theo thông báo của  công an quận Hoàng Mai: Thời hạn giải quyết tố giác về tội phạm quy định tại Điều 103 Bộ luật Tố tụng hình sự đã hết, nhưng cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Hoàng Mai chưa đủ căn cứ để quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với tố giác về tội phạm của chị L; vì vậy cơ quan cảnh sát điều tra công an quận Hoàng Mai đã có văn bản gửi Viện Kiểm sát Nhân dân quận Hoàng Mai, thống nhất tiếp tục xác minh đối với tố giác tội phạm của chị L. (thời hạn xác minh tiếp theo là 2 tháng).


“Vụ việc xâm hại kéo dài hơn hai tháng khiến gia đình và nạn nhân rất mệt mỏi theo kiện. Trên thực tế, khi đã có nhân chứng, nhận diện đối tượng, thì đã có thể khởi tố bị can. Ở một số nước, chỉ cần xác định có gợi ý sex, là đã có thể bị khởi tố, điển hình như vụ án Minh béo. Nếu vụ án xâm hại, mà cơ quan điều tra yêu cầu có dấu vết vật chất để lại, thì sẽ không bao giờ xử được. Vụ việc xâm hại trẻ em tại quận Hoàng Mai, nạn nhân được gia đình đi khám sớm, có kết quả bị xâm hại, nhưng cơ quan chức năng không giải quyết ngay được, thì cho thấy quy trình tố tụng của chúng ta còn khoảng trống”, luật sự Lê Văn Luân cho biết.


Việc các vụ xâm hại tình dục trẻ em gần đây gia tăng, có nguyên nhân từ chính sự "trì hoãn" thời gian xử lý vụ việc nói trên. Bà Khuất Thu Hồng, Viện nghiên cứu Phát triển xã hội cho biết:  Số nạn nhân trẻ em bị xâm hại tình dục hàng năm chắc chắn còn cao hơn con số 1.000 nạn nhân mà chúng ta công bố, bởi người Việt Nam vẫn luôn e dè khi nói về về vấn đề tình dục, liên quan đến hiếp dâm, dâm ô trẻ em lại càng ít được nói đến. Thế nên khi  có những nạn nhân lên tiếng, thì các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc giải quyết. Đừng để xảy ra tình trạng vụ việc không được xử lý, khiến gia đình nạn nhân phải chuyển đến nơi khác sinh sống vì "mặc cảm", sợ bị "kỳ thị". Khi đó, việc tố cáo kẻ phạm tội sẽ càng khó khăn hơn.


Cũng liên quan đến vấn đề này, trả lời phóng viên báo Tin tức ngày 13/3, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho biết: Với loại tội phạm dâm ô, xâm hại tình dục trẻ em, cần có quy trình đặc biệt để xét xử; cứ đi theo quy trình tố tụng bình thường thì rất "bất cập", bởi nếu không xử lý nhanh, có thể gây tổn thương hơn cho các em.


Tin, ảnh: XC
Hành vi xâm hại tình dục trẻ em có thể bị xử tử hình
Hành vi xâm hại tình dục trẻ em có thể bị xử tử hình

Theo chuyên gia tư vấn pháp luật, hành vi hiếp dâm và dâm ô trẻ em hiện vẫn áp dụng theo quy định của Bộ Luật Hình sự năm 1999 và sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN