Răn đe kết hợp với tuyên truyền
Giống như đợt bùng phát dịch COVID-19 vào đầu năm 2020, khi cơ quan chức năng ghi nhận ca bệnh số 17, rất nhiều thông tin giả xung quanh các ca bệnh được đồn đoán, suy diễn. Tình trạng này lặp lại ngay sau khi cơ quan chức năng công bố các ca bệnh COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng vào tối 27/1/2021, một loạt thông tin giả xuất hiện liên quan đến một số trường hợp tiếp xúc gần ca bệnh. Trong đó, điển hình là trường hợp của anh P.A.T., được cho là bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Quảng Ninh, trong đó có nội dung đáng chú ý là tờ khai đi hát karaoke có "tay vịn". Ngay lập tức từ khóa "hát karaoke, tay vịn" trở thành hot trend trên mạng... Tuy nhiên, ngay sau đó, Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) - (Cục Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử) xác định tin bệnh nhân hát karaoke có tay vịn là fake news (tin giả) do đối tượng xấu tự chế ra biên bản rồi tung lên mạng xã hội.
Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã xử phạt 10 trường hợp liên quan đến chia sẻ và đăng các thông giả và bình luận về trường hợp đi hát karaoke tay “vịn”. Đồng thời Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng thông tin rộng rãi đến báo chí chính thống với khuyến cáo người dân nên thận trọng khi chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng, gây hoang mang dư luận. Các trường hợp vi phạm chia sẻ thông tin giả đều bị xử phạt mức 7,5 triệu đồng/trường hợp vi phạm. Với sự vào cuộc của cơ quan chức năng khi xử lý liên tục các trường hợp và đưa ra khuyến cáo về thông tin giả về các ca bệnh COVID-19 đã giảm hẳn.
Không chỉ riêng Hà Nội, tại nhiều địa phương cũng ghi nhận xuất hiện các thông tin giả chia sẻ trên mạng xã hội. Từ những vụ việc bị xử lý điển hình có thấy, người đăng thông tin giả có nhiều động cơ khác nhau, không chỉ đơn thuần thông tin cảnh báo mà còn chế ra hẳn nội dung không có thật. Đơn cư như vào, đầu tháng 2/2021, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Công an tỉnh xác minh, xử phạt chủ một trang bán hàng online “tinh dầu tràm Huế” do Phan Thị M. H. (SN 1985, trú phường Thuận Hòa, TP Huế) làm chủ đăng tải thông tin thất thiệt, sai sự thật liên quan đến phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về dịch COVID-19.
Bà H. thừa nhận đã sao chép thông tin thất thiệt nói trên từ một trang mạng khác rồi đăng tải lên trang bán hàng để câu view. Bà H thừa nhận vi phạm khi chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng, làm lan truyền thông tin giả và nhận mức xử phạt 5 triệu đồng.
Mới đây, UBND huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) cũng đã xử phạt một nữ công nhân làm việc tại Hải Dương đăng tin sai sự thật về chốt kiểm soát dịch COVID-19. Theo đó, nữ công nhân tên là Nguyễn Thị H (38 tuổi, quê Nghệ An) tạm trú thị trấn Lai Cách đã tung thông tin lên mạng xã hội phản ánh việc bị thu phí 250.000 đồng khi qua chốt kiểm soát dịch COVID-19. Khi được lực lượng chức năng mời lên làm việc, chị H thừa nhận do bức xúc nhiều lần bị tổ công tác tại chốt kiểm soát dịch nhắc nhở về việc chấp hành quy định về cư trú và phòng dịch nên đăng tải thông tin sai sự thật với mục đích trả thù. Chị H bị xử phạt 7,5 triệu đồng và phải gỡ toàn bộ nội dung bài viết và đăng bài đính chính, đồng thời cam kết không tái phạm.
Từ góc độ chuyên gia, PGS.TS Trần Thành Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, khi xã hội xuất hiện những yếu tố gây tác động lớn đến đời sống xã hội như dịch tả lợn Châu Phi vào năm 2019; dịch COVID-19 xuất hiện năm 2020 và mới đây là tái bùng phát dịch COVID-19 tại cộng đồng đầu năm 2021 khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Điều này dẫn đến tâm lý bất ổn với nhiều người và cũng là nguồn cơn xuất hiện nhiều thông tin giả, chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng từ những góc nhìn khác nhau. Việc xuất hiện tin giả lây lan mạnh theo hiệu ứng số đông nên có những người đã từng bị nhắc nhở vi phạm nhưng vẫn tái phạm.
“Sâu chuỗi tình trạng tin giả bùng phát thời gian qua và việc xử phạt của cơ quan chức năng có thể thấy , tin giả lan truyền có nhiều loại hình. Từ cố tình tạo tin giả để thu hút sự chú ý của mọi người, chứng tỏ mình hiểu biết, nắm được thông tin thời cuộc hoặc mục đích thu hút view để bán hàng. Hoặc có trường hợp tung tin giả vì bức xúc… Tuy nhiên, có thế thấy tin giả theo hướng bịa hẳn câu chuyện ngày càng nhiều và được chia sẻ không có kiểm chứng. Do đó, cơ quan chức năng cần có chiến lược dài hơi trong kiểm soát toàn diện và chủ động hơn”, PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.
Nâng cao năng lực công dân số
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết: Thông tin giả trên mạng xã hội là vấn đề nóng, bức xúc. Để góp phần ngăn chặn tin giả, Bộ Thông tin và Truyền thông ra mắt Cổng thông tin tiếp nhận phản ánh và công bố tin giả tại địa chỉ tingia.gov.vn và ra mắt đầu số tiếp nhận phản ánh tin giả 18008108 do Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) quản lý.
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 60 triệu người sử dụng mạng xã hội. Cùng với những mặt tích cực, tin giả do con người tạo ra với các nền tảng số và được kết nối, chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội khiến việc lan truyền và làm cho tin giả tăng theo cấp số nhân. “Tin giả làm xói mòn niềm tin xã hội, tạo ra những nhi ngờ có thể làm rạn nứt một tổ chức, gây hoang mang trong xã hội, hậu quả không thể đo đếm được. Chính vì thế, Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam ra đời để xử lý tin giả mang tính quốc gia, lan tỏa sự thật. Cùng với việc tiếp nhận, phát hiện, thẩm định, gắn nhãn tin giả, Trung tâm cũng công bố thông tin xác thực và hướng dẫn cách nhận biết, phòng tránh, đối phó với tin giả. Thực tế vừa qua cho thấy, khi có tin giả bùng lên nhưng khi được cơ quan chức năng công bố là tin giả thì ngay lập tức tin giả bị đẩy lùi. Hiện tượng này giống như bong bóng ảo bị kim châm làm xì hơi, khiến tin giả không lây lan”, ông Phúc chia sẻ.
Ở góc độ chuyên gia, PSG.TS Trần Thành Nam cho biết: Xử lý vấn nạn tin giả đã được cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm xử lý trong thời gian qua. Về thể chế, Việt Nam đã có Luật An ninh mạng và các nghị định xử phạt vi phạm với chế tài nghiêm khắc. Tuy nhiên, với việc phát triển công nghệ thông tin như hiện nay thì Chính phủ sớm triển khai giáo dục năng lực công dân số. Với việc phát triển các mạng xã hội và các nền tảng số mang tính chia sẻ, kết nối dữ liệu ngày càng lớn nhưng việc sử dụng dựa trên thói quen, cảm tính chứ thực sự chưa hiểu rõ về chính các nền tảng sử dụng như vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân, sự lan truyền của tin giả… Thực tế thời gian qua, kể cả những người có trình độ, có học hàm học vị trong xã hội cũng chia sẻ những thông tin giả, sai sự thật. Do đó, Nhà nước và cơ quan chức năng có kế hoạch tổng thể để giáo dục, nâng cao năng lực công dân số, nhất là lớp trẻ về phân biệt đâu là tin giả, cách thẩm định, chia sẻ thông tin có trách nhiệm, có văn hóa khi giao tiếp trên mạng…
“Cơ quan quản lý, hiệp hội cũng sớm ban hành quy tắc ứng ửng trên mạng xã hội. Vấn đề này đã được bàn nhiều tại các diễn đàn và được thảo luận tại Quốc hội. Giống như làng xã có quy ước, hương ước thì trên cộng đồng không gian mạng cũng cần phải có quy tắc ứng xử để định hướng người sử dụng có văn hóa, có trách nhiệm. Cùng với đó là các nền tảng mạng số hội số xuyên biên giới cũng phải tôn trọng, hợp tác với cơ quan chức năng từng nước trong việc chống tin giả. Mỗi quốc gia đều có văn hóa, tập tục và luật pháp riêng, do đó sự hợp tác này là cần thiết trên cơ sở tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau. Đơn cử như việc chia sẻ thông tin của những nhân vật nổi tiếng, nếu thông tin chưa được kiểm chứng thì phải gắn mác nhận diện để cảnh báo người dùng” PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.