Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hành động kịp thời, cùng UBND các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo công tác thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải; khẩn trương xây dựng, điều chỉnh phương án xử lý chất thải y tế và tổ chức thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải y tế tại địa phương cho phù hợp với diễn biến dịch COVID-19, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường.
Từ ngày 27/4 đến nay, số ca mắc COVID-19 tăng nhanh, tình trạng chất thải do dịch phát sinh mạnh. Ngoài gây tổn thất về sức khỏe và tính mạng của con người, dịch COVID-19 cũng làm phát sinh những hệ lụy về môi trường nếu không được xử lý kịp thời.
Rác thải phát sinh
Mặc dù chưa có thống kê về số rác thải phát sinh do dịch COVID-19, song tại Việt Nam, với số lượng bệnh nhân tăng lên nhanh chóng thì chất thải y tế cũng tăng theo tỉ lệ thuận, nhất là tại các bệnh viện, khu cách ly tập trung, do tăng phế thải từ trang phục, khẩu trang, găng tay, kim tiêm, dây truyền dịch, thuốc men, bao bì thực phẩm đóng gói...
Người dân cũng được khuyến khích sử dụng khẩu trang và được thay thường xuyên nên khẩu trang đã qua sử dụng thải ra môi trường cũng làm tăng lượng rác thải. Cơ quan y tế cũng sử dụng một lượng lớn các hóa chất khử trùng cũng làm ảnh hưởng tới môi trường.
Do thường xuyên tiếp xúc với nguồn rác thải có nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh, lực lượng vệ sinh môi trường cũng được trang bị đầy đủ quần áo, thiết bị bảo hộ lao động, sử dụng các loại thuốc khử khuẩn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nên cũng làm tăng thêm lượng rác thải.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, hiện tổng lượng rác thải y tế phát sinh tại 151 khu cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến vào khoảng 70 tấn/ngày. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân thành phố cho phép thực hiện cách ly các trường hợp F0, F1 tại địa phương khiến lượng rác thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 phát sinh thêm.
Tại Hà Nội, chỉ riêng Công ty Cổ phần Vật tư thiết bị môi trường 13 mỗi ngày phải thu gom, vận chuyển và xử lý tại các khu cách ly khoảng 2-3 tấn rác thải.
Tại Bệnh viện C Đà Nẵng, trong thời gian phong tỏa cách ly hơn 1.000 người, lượng rác y tế thải ra trong một ngày là 637 kg.
Lượng rác thải thu gom tại các điểm cách ly, khu cách ly tập trung, các cơ sở y tế... ở tỉnh Thừa Thiên-Huế từ đầu năm 2021 đến nay hơn 80,2 tấn. Trong đó, khối lượng phát sinh nhiều nhất là từ thời điểm bùng phát lại dịch ngày 9/5/2021.
Biện pháp cấp bách để bảo vệ môi trường
Để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh và vệ sinh môi trường... Bộ Tài nguyên và Môi trường đã liên tục, kịp thời có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện một số biện pháp cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch COVID-19.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thượng Hiền thông tin, ngay khi dịch COVID-19 xảy ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Y tế ban hành các hướng dẫn kỹ thuật liên quan đến phòng, chống dịch bệnh và quản lý rác thải y tế lây nhiễm tại các cơ sở y tế. Bộ cũng ban hành các văn bản chỉ đạo, đề nghị, đôn đốc các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý rác thải rắn sinh hoạt, đặc biệt rác thải y tế lây nhiễm từ các cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận hành các công trình bảo vệ môi trường đối với các cơ sở y tế, cơ sở xử lý chất thải y tế, cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt; khử khuẩn nước thải sau xử lý tại các cơ sở y tế, các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở xử lý chất thải y tế lây nhiễm đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường. Bộ đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ sở y tế và khu vực cách ly tập trung bố trí các điểm thu gom, lưu giữ khẩu trang y tế theo đúng quy định; hướng dẫn người dân đến các cơ sở y tế thăm, khám trước khi ra về phải thải bỏ vào các thiết bị lưu chứa chất thải y tế và xử lý theo đúng quy định để ngăn ngừa nguy cơ phát tán mầm bệnh.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các địa phương trong việc quản lý chất thải y tế. Bộ đã phối hợp với UBND, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng chỉ đạo, hướng dẫn việc thu gom chất thải phát sinh tại 60 "điểm nóng" có dịch, 61 cơ sở cách ly y tế, 2 bệnh viện dã chiến để xử lý tại các cơ sở xử lý chất thải, đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường và công tác phòng, chống dịch.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Ban Chỉ đạo Quốc gia ban hành 5 hướng dẫn về phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại gia đình; khu chung cư; trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng; tại lễ tang; xử lý thi hài người tử vong do dịch COVID-19. Trong đó, nhấn mạnh đến việc các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý rác thải rắn sinh hoạt, đặc biệt rác thải y tế lây nhiễm từ các cơ sở y tế, cơ sở cách ly tập trung. Các địa phương được hướng dẫn kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thu gom, lưu giữ, chuyển giao chất thải y tế, đặc biệt là đối với khẩu trang y tế, các phương tiện phòng hộ cá nhân đã qua sử dụng thải bỏ.
Trong tháng 5, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 2743/BTNMT-TCMT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phối hợp trong xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch COVID-19.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu vực cách tại địa phương khẩn trương xây dựng, điều chỉnh và thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu giữ, và xử lý chất thải, đặc biệt đối với chất thải y tế để phù hợp với việc điều chỉnh thời gian cách ly tập trung, thời gian quản lý sau khi kết thúc cách ly tập trung và xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường việc thực hiện và giám sát công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch COVID-19 tại địa phương để đảm bảo thực hiện quy định; trong đó, ưu tiên xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm cơ sở y tế và các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế tại địa phương để đảm bảo khoảng cách thu gom ngắn nhất từ nơi phát sinh tới cơ sở xử lý.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tại địa phương chủ động liên hệ với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế tại các địa phương khác để hỗ trợ xử lý chất thải y tế trong trường hợp địa phương không đảm bảo năng lực xử lý chất thải y tế hoặc không đủ hạ tầng xử lý chất thải y tế.
Các địa phương có cơ sở xử lý chất thải nguy hại cần tạo điều kiện hỗ trợ xử lý chất thải y tế khi có đề nghị từ các địa phương khác nhưng vẫn phải đảm bảo công tác xử lý chất thải y tế tại địa phương mình.
Các cơ sở có chức năng xử lý chất thải y tế phải tích cực phối hợp, hỗ trợ việc xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch COVID-19 tại các địa phương khác theo phạm vi hoạt động đã được cấp phép nhưng vẫn phải đảm bảo công suất xử lý chất thải đã được cấp phép và công tác xử lý chất thải y tế tại địa phương mình.
Bên cạnh đó, danh sách 77 cơ sở thuộc diện xử lý chất thải nguy hại và có chức năng xử lý chất thải y tế được Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi tới Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong tháng 5, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục bổ sung 3 cơ sở (2 ở Đồng Nai và 1 ở Nam Định) có chức năng xử lý chất thải y tế tại một số địa phương, nâng số cơ sở này lên 80 trên toàn quốc.
Tăng cường xử lý chất thải phát sinh
Tháng 7/2021, trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch COVID-19 tại nhiều địa phương trên cả nước, để đảm bảo xử lý kịp thời chất thải phát sinh do dịch COVID-19 nhằm sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh và vệ sinh môi trường, đặc biệt tại các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường ra Văn bản số 4119/BTNMT-TCMT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, về việc tăng cường xử lý chất thải phát sinh do dịch COVID-19.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện một số biện pháp cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch COVID-19.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu cách ly (cách ly tập trung, cách ly tại nhà và các khu cách ly khác) tại địa phương thực hiện công tác thu gom, lưu giữ và chuyển giao chất thải sinh hoạt, chất thải y tế phát sinh do dịch COVID-19 theo đúng quy định tại Quyết định số 3455/QĐ-BCĐQG ngày 5/8/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 về “Hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng, chống dịch COVID-19”.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách niệm chỉ đạo chính quyền các cấp ở địa phương để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc các biện pháp quản lý chất thải y tế, chất thải sinh hoạt phát sinh do dịch COVID-19 tại các khu vực: nơi làm việc, ký túc xá cho người lao động, hộ gia đình, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, khu chung cư, tại lễ tang theo nội dung hướng dẫn tại các Quyết định liên quan của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19, Bộ Y tế.
UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tại địa phương chủ động liên hệ với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế nguy hại đã được cấp phép xây dựng phương án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tại địa phương chủ động liên hệ với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế (bao gồm cả các cơ sở đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận kế hoạch vận hành thử nghiệm) để tăng cường xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch COVID-19; chủ động liên hệ với các địa phương khác có cơ sở xử lý chất thải y tế để hỗ trợ trong trường hợp các cơ sở xử lý chất thải tại địa phương không đảm bảo đủ năng lực xử lý hoặc không đủ năng lực hạ tầng xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch COVID-19.
Các địa phương cần khẩn trương xây dựng, điều chỉnh phương án xử lý chất thải y tế và tổ chức thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu giữ và xử lý chất thải y tế tại địa phương cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch COVID-19, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường.
Bài cuối: Nhiều giải pháp, giải quyết triệt để rác thải