Xóa nhà tạm: Thắm tình quân - dân ở biên giới Kon Tum

Gần một năm qua, các cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum đã chung sức, phối hợp cùng chính quyền địa phương xây dựng được 9 căn nhà cho người dân tuyến biên giới, giúp bà con ổn định nơi ở, tập trung phát triển kinh tế.

Chú thích ảnh
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum bàn giao căn nhà mới cho gia đình ông A Trỏ, thôn Dục Lang, xã Đăk Long, huyện Đăk Glei. 

Thực hiện phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”, gần một năm qua, các cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum đã chung sức, phối hợp cùng chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan xây dựng được 9 căn nhà cho người dân tuyến biên giới, giúp bà con ổn định nơi ở, tập trung phát triển kinh tế, đời sống gia đình; củng cố và tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó quân - dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

* Niềm vui từ những căn nhà mới

Gia đình anh A Táo và chị Y Eng cùng là người dân tộc thiểu số Ca Dong, trú tại thôn Iệc, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum là một trong những hộ gia đình khó khăn của xã. Từ khi lập gia đình, vợ chồng anh cùng hai con nhỏ phải dựng tạm căn nhà bằng tre, mái lợp tranh trên mảnh đất được bố mẹ chia cho. Kinh tế gia đình anh Táo, chị Y Eng phụ thuộc hoàn toàn vào 1 ha trồng sắn nhưng do kỹ thuật trồng kém, đất bạc màu, thu nhập cũng chẳng được là bao. Chính vì vậy, căn nhà tạm bợ của vợ chồng anh ngày càngdột nát, gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt.

Nửa cuối năm 2024, thực hiện phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y đã chọn gia đình anh A Táo để hỗ trợ xây dựng nhà mới. Tổng kinh phí xây dựng căn nhà khoảng 120 triệu đồng; trong đó có 70 triệu tiền vật liệu, số còn lại là ngày công lao động của các cán bộ, chiến sỹ thuộc Đồn. Đến tháng 1/2025, công trình được hoàn thành, gia đình anh A Táo chính thức có căn nhà mới để ở.

“Trước đây, nhà mình tạm bợ, mỗi khi mùa mưa đến rất lo, sợ bị gió thổi bay mất. Năm nay không còn sợ nữa rồi, có căn nhà mới kiên cố, vợ chồng mình sẽ yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế”, anh A Táo vui vẻ nói.

Trong khi đó, gia đình chị Bùi Thị Phượng (dân tộc Mường) cũng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở thôn Thung Nai, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi. Sinh ra ở tỉnh Hòa Bình, chị vào Kon Tum làm kinh tế từ năm 1995, dựng một căn nhà nhỏ bằng tre, nứa và lợp tranh, rộng khoảng 20 m2 ở thôn Thung Nai để làm ăn, sinh sống. Vợ chồng không hòa thuận, chị ly hôn và một mình nuôi 4 người con. Để mưu sinh, chị Phượng đi thu mua phế liệu hoặc đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền, thu nhập bấp bênh, căn nhà cứ thế cũ nát theo thời gian mà không được sửa chữa.

Các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Đăk Xú đã đóng góp, kêu gọi hỗ trợ từ các nhà hảo tâm được 70 triệu đồng; Ủy ban nhân dân xã Đăk Xú cũng hỗ trợ 10 triệu đồng để xây dựng căn nhà mới cho gia đình chị Phượng. Tháng 10/2024, căn nhà mới rộng 50 m2 được khánh thành, trở thành nơi ở mới cho gia đình chị.

“30 năm qua, mẹ con tôi ở trong căn nhà tạm, chẳng dám nghĩ đến chuyện sẽ có một căn nhà mới như thế này để ở. Được các chú bộ đội và chính quyền địa phương hỗ trợ cho căn nhà mới này, mẹ con tôi mừng lắm, yên tâm hơn rất nhiều. Đồn Biên phòng Đăk Xú cũng nhận con gái út của tôi đang học lớp 7 làm con nuôi đồn biên phòng, hỗ trợ cho cháu ăn học, đây là niềm động viên to lớn cho mẹ con tôi. Cảm ơn các chú rất nhiều”, chị Bùi Thị Phượng xúc động nói.

* Gắn kết tình quân - dân

Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum, tính đến giữa tháng 4/2025, các cán bộ, chiến sỹ tại các đồn biên phòng dọc theo tuyến biên giới của tỉnh đã quyên góp, vận động, hỗ trợ xây dựng được 9 căn nhà mới cho người dân, với tổng trị giá gần 800 triệu đồng. Để có được kết quả đó, ngoài sự đồng lòng, đóng góp vật chất của các cán bộ, chiến sỹ, còn có sự gắn kết quân - dân bền chặt thông qua những ngày công lao động trực tiếp.

Theo Thiếu tá Nguyễn Thành An, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, ngay sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát, Đảng ủy Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y đã phối hợp với Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã Pờ Y tiến hành khảo sát, lựa chọn những gia đình thực sự khó khăn, không có điều kiện để xây dựng nhà, hoặc nhà đã dột nát. Sau khi lựa chọn, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y đã tiến hành phát động phong trào trong toàn đơn vị, các cán bộ, chiến sỹ cũng như các nhà hảo tâm trên địa bàn đóng góp, giúp đỡ, xây dựng nhà cho nhân dân.

“Ngoài hỗ trợ bằng tiền mặt, chúng tôi cử các cán bộ, chiến sỹ trực tiếp xuống hỗ trợ người dân xây nhà. Mỗi căn nhà, các cán bộ, chiến sỹ hỗ trợ khoảng 90 ngày công, liên tục trong ba tháng cho đến khi hoàn thành, đảm bảo đúng tiến độ, đúng chất lượng công trình”, Thiếu tá Nguyễn Thành An cho biết.

Chú thích ảnh
Các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Đăk Xú hỗ trợ xây dựng căn nhà mới cho gia đình chị Bùi Thị Phượng, thôn Thung Nai, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. 

Ông Nguyễn Tài Thu, Bí thư Đảng ủy xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi cho biết, qua rà soát, toàn xã có 17 căn nhà tạm, nhà dột nát cần được xóa bỏ. Với sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan, đơn vị, cá nhân, đặc biệt là của các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, công cuộc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn đã được triển khai quyết liệt. Nhờ đó, đến tháng 1/2025, toàn bộ 17 căn nhà tạm, nhà dột nát tại xã đã được xóa bỏ.

Theo Đại tá Phạm Cảnh Toàn, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum, khu vực biên giới của tỉnh Kon Tum có diện tích hơn 4.300 km2, là nơi sinh sống của gần 18.000 hộ gia đình tại 99 thôn làng thuộc 13 xã. Những năm qua, tình hình kinh tế, văn hóa - xã hội tại khu vực biên giới của tỉnh đã có sự chuyển biến, cơ sở hạ tầng, bộ mặt nông thôn từng bước đổi mới. Tuy nhiên, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới còn nhiều khó khăn về nhà ở.

Thực hiện phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và các Đồn Biên phòng, Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động đã huy động đóng góp của cán bộ, chiến sỹ và sự chung tay của các cơ quan, đơn vị kết nghĩa, nhà hảo tâm… để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đặc biệt, các cán bộ, chiến sỹ các Đồn Biên phòng, Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động đã tham gia hơn 1.500 ngày công lao động giúp vận chuyển nguyên vật liệu, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà trên địa bàn đóng quân.

“Thời gian tới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện theo kế hoạch đã đề ra; tổ chức tuyên truyền, vận động các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tham gia đóng góp để tiếp tục triển khai thực hiện; phấn đấu theo kế hoạch đến tháng 6/2025, cùng các cấp, các ngành xóa bỏ 100% nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn khu vực biên giới”, Đại tá Phạm Cảnh Toàn khẳng định.

Bài và ảnh: Dư Toán (TTXVN)
Xóa nhà tạm: Tuyên Quang đảm bảo khởi công toàn bộ số nhà còn lại trước ngày 30/6
Xóa nhà tạm: Tuyên Quang đảm bảo khởi công toàn bộ số nhà còn lại trước ngày 30/6

Ngày 14/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN