Xét xử vụ phá rừng nghiêm trọng tại Hương Sơn, Hà Tĩnh

Trong hai ngày 30 – 31/1, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 15 bị cáo liên quan đến vụ phá rừng nghiêm trọng tại địa bàn xã Sơn Hồng, Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Phạm Anh Tuấn 12 năm tù giam, Nguyễn Thanh Bình 4 năm 6 tháng, Nguyễn Hữu Huân và Phan Nhật Tân mỗi bị cáo 3 năm tù giam, Nguyễn Trung Kiên, Nguyễn Tuấn Khánh, Lê Tình và Bùi Văn Thảo mỗi bị cáo 2 năm tù giam, Lê Quốc Vương và Uông Công Giáo mỗi bị cáo 18 tháng tù giam, Nguyễn Duy Tý và Phan Văn Vy mỗi bị cáo 12 tháng tù.

Các bị cáo Trần Văn Khoa, Phạm Văn Cẩn và Lê Quý Ly được hưởng án treo. Các bị cáo cũng đồng thời chấp hành trách nhiệm dân sự do hành vi phạm tội của mình gây ra.


Các bị cáo tại phiên tòa. Nguồn: hatinh24h.org.vn.


Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, trong thời gian từ tháng 6/2010 đến tháng 6/2011, tại địa bàn xã Sơn Hồng, khu rừng do Ban Quản lý bảo vệ xây dựng rừng Hồng Lĩnh thuộc Công ty lâm nghiệp Hương Sơn quản lý, bảo vệ, bị khai thác trái phép, gây thiệt hại 716.891 m3 gỗ tròn từ nhóm II đến nhóm VIII. Vụ việc trên do một số cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, có sự thông đồng với chủ rừng và các đối tượng khai thác vận chuyển lâm sản trái phép, sự thiếu trách nhiệm của một số kiểm lâm viên.

Trong đó, Phạm Anh Tuấn (SN 1969) – Trưởng ban Quản lý bảo vệ xây dựng rừng Hồng Lĩnh đã có các hành vi vi phạm các quy định về quản lý rừng, nhận hối lộ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Phạm Anh Tuấn đã thống nhất và cho phép Nguyễn Thanh Bình (SN 1965) trú tại xóm 5, xã Sơn Hồng và Nguyễn Hữu Huân (SN 1970) trú tại xóm 10, xã Sơn Lĩnh, Hương Sơn vào rừng khai thác, vận chuyển trái phép 138,072 m3 gỗ tròn và nhận hối lộ của những người này 24 triệu đồng.

Được sự giúp sức của Nguyễn Trung Kiên (SN 1985) trú tại xóm 5, xã Sơn Hồng, cùng với sự tiếp tay của Phạm Anh Tuấn, Nguyễn Thanh Bình đã nhiều lần tổ chức cho Nguyễn Tuấn Khánh (SN 1984) trú tại xóm 6, xã Xuân Hồng và Nguyễn Văn Tuấn trực tiếp vào rừng phòng hộ Khe Sinh khai thác, vận chuyển trái phép 68,295m3 gỗ. Sau khi vận chuyển số gỗ trên về xưởng của mình, Nguyễn Thanh Bình đã đưa hối lộ 12 triệu đồng cho Phạm Anh Tuấn.

Cũng trong thời gian này, Lê Văn Tình (SN 1974) trú tại xóm 6, xã Sơn Hồng, Lê Quốc Vương (SN 1977) trú tại xóm 1, xã Sơn Hồng, Uông Công Giáo (SN 1974) trú tại xóm 1, xã Sơn Hồng, nhận tạm ứng tiền của Nguyễn Thanh Bình vào rừng khai thác được 117,692m3.

Cùng thủ đoạn trên, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Hữu Huân tổ chức cho Phan Văn Vy (SN 1984) trú tại xóm Lâm Phúc, xã Sơn Lâm, Hương Sơn, vào rừng Khe Sinh khai thác được 28m3 gỗ. Sau khi vận chuyển số gỗ này ra khỏi rừng, Huân đã hối lộ cho Phạm Anh Tuấn 12 triệu đồng.

Theo cáo trạng, để tình trạng khai thác gỗ trái phép kéo dài như trên còn có một số nhân viên, cán bộ của Ban Quản lý bảo vệ xây dựng rừng Hồng Lĩnh tiếp tay. Bùi Văn Thảo - Phó Ban QLXDBV rừng Hồng Lĩnh, Phạm Nhật Tân - trạm trưởng trạm bảo vệ rừng Khe Lét cùng thống nhất chủ trương của Phạm Anh Tuấn để cho Nguyễn Thanh Bình và Nguyễn Hữu Huân khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Còn Nguyễn Duy Tý cố ý mở rào chắn cho Nguyễn Thanh Bình và Nguyễn Hữu Huân vận chuyển 35m3.

Trong thời gian phụ trách địa bàn, Trần Văn Khoa (SN 1974) - Trạm trưởng trạm kiểm lâm Sơn Linh, Lê Quý Ly (SN 1971) - kiểm lâm viên, Phạm Văn Cẩn (SN 1960) - kiểm lâm viên đã để tình trạng khai thác gỗ trái phép dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.


TTXVN/ Tin tức
'Nóng' nạn phá rừng giáp ranh tại Bình Thuận
'Nóng' nạn phá rừng giáp ranh tại Bình Thuận

Tình trạng phá rừng ở Bình Thuận vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là các khu vực giáp ranh với hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai. Nguy hiểm hơn, tình trạng chống người thi hành công vụ cũng tăng. Điều này cho thấy lâm tặc ngày càng manh động và coi thường pháp luật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN