Xe chở vật liệu, phế thải 'tung hoành' trong giờ cấm

Sau một thời gian tạm lắng, đến nay tình trạng xe chở vật liệu, phế thải lưu thông giờ cấm để vật liệu rơi vãi trên đường lại tái xuất hiện trên nhiều tuyến phố. Trước thực tế này, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Đường bộ, đường sắt (Công an TP Hà Nội) phải tăng cường lực lượng thanh tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm... Trong bối cảnh giao thông thủ đô đang rối như tơ vò, thực trạng xe chở vật liệu trong giờ cấm không chỉ gây ùn tắc, mà còn là nguyên nhân tiềm ẩn gây tai nạn giao thông (TNGT) cho người đi đường. Thực trạng này nếu không được xử lý kiên quyết để răn đe dễ phát sinh nhiều hệ lụy.

Phớt lờ và đối phó

Theo Phòng CSGT Đường bộ, đường sắt (Công an TP Hà Nội), mặc dù đã có quy định cụ thể về việc cấm các loại xe tải ra vào các tuyến phố trung tâm (trong số này phần lớn là xe chở vật liệu), đặc biệt là quy định cấm chạy vào giờ cao điểm từ 6 giờ đến 21 giờ hàng ngày, nhưng do khâu giám sát, quản lý của các cơ quan chức năng có phần buông lỏng, nên quy định này đang bị cánh lái xe phớt lờ.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, hiện nay trên các tuyến phố như Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Linh (Long Biên), Minh Khai (Hai Bà Trưng), Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân), Trần Phú (Hà Đông)..., tình trạng xe tải, xe ben chở vật liệu xây dựng dạng rời chạy trong khung giờ cấm có chiều hướng gia tăng. Tuyến đường Nguyễn Văn Cừ cứ vào 19 giờ hàng ngày, dù lượng phương tiện tham gia giao thông vẫn khá dày, song các loại xe chở đất đá đã bắt đầu hoạt động. Càng về phía nút giao quốc lộ 5, xe tải lớn nhỏ, có thùng, không mui, không che đậy, chở vật liệu xây dựng chạy rầm rập với tốc độ cao, khiến tuyến đường này bụi mù mịt.

Cần xử phạt nặng những xe chở vật liệu, phế thải gây ô nhiễm môi trường.


Bên này cầu Vĩnh Tuy phía đường Minh Khai, Tam Trinh (Hai Bà Trưng), cứ khoảng 19 giờ hàng ngày là hàng đoàn xe tải chở vật liệu ùn ùn hoạt động, khiến tuyến đường này như chìm trong sương mù mỗi khi thành phố lên đèn. Người dân sống ở đây cho biết đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền, nhưng sự việc vẫn đâu đóng đấy. Đó là trong khung giờ cấm, còn ngoài giờ cấm, lợi dụng đường vắng, cánh lái xe chạy đánh võng trên đường, rầm rầm như động đất. Ở phía tây cửa ngõ thủ đô, trên các đường Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi, Trần Phú (Hà Đông)... nơi có mật độ tham gia giao thông rất lớn, thường xuyên ùn tắc vào các khung giờ cao điểm cũng không tránh khỏi tình trạng này. Mặc dù biển cấm đã được lắp đặt rõ ràng tại các ngã tư, nhưng nhiều lái xe vẫn phớt lờ lệnh cấm.

Phòng CSGT Đường bộ, đường sắt (Công an TP Hà Nội) cho biết, trong tháng 3/2012, phòng đã bắt giữ và xử lý hàng trăm trường hợp xe tải chở vật liệu lưu thông trong giờ cấm, làm rơi vãi xuống đường. Điển hình, trường hợp xe tải BKS 90T - 6893 do tài xế Đinh Xuân Thiện (SN 1976, ở huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) điều khiển, hay trường hợp xe tải BKS 90C - 003.48 do Dương Văn Lục (SN 1970, ở huyện Thanh Liêm, Hà Nam) điều khiển, bị Đội CSGT số 7 lập biên bản với các lỗi: Điều khiển xe không đúng thời gian quy định, lắp thêm đèn soi phía sau, để vật liệu rơi vãi xuống đường... Đáng lưu ý, là sau khi bị phát hiện, bắt giữ, các lái xe đều thanh minh: “Biết là quy định xe tải không được vào nội đô trước 21 giờ, nhưng do chủ hàng khoán, giục giã, nên vẫn phải đi... và sau khi “năn nỉ”, “gọi điện thoại trợ giúp” không được, các lái xe đều phải ký biên bản vi phạm.

Còn theo các chiến sỹ CSGT Đội 6, tuyến đường Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy) hiện nay có mật độ phương tiện lưu thông cao, nhất là vào giờ cao điểm, thường xuyên xảy ra ùn tắc cục bộ, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT. Có ngày, chỉ trong 1 giờ tuần tra, kiểm soát, ddđội đã lập biên bản gần 20 trường hợp xe chở vật liệu để vật liệu rơi vãi xuống đường, đi vào giờ cấm... Khi CSGT yêu cầu lái xe xuất trình giấy tờ thì tất cả các trường hợp trên đều thoái thác với lý do chủ hàng giữ giấy tờ. Tuy nhiên, các trường hợp “chây ì” đều bị tổ công tác cho xe kéo về nơi tạm giữ.

Lưu thông trên các tuyến phố nội đô có thể thấy rõ thời gian gần đây, bụi bẩn lại xuất hiện tại nhiều khu vực, nhất là các trục đường xuyên tâm thành phố. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do xe chở vật liệu, bùn, đất, đặc biệt là các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng như xe chở cát san nền, xi măng, vôi gây ra. Các loại xe này không được kiểm soát chặt, thậm chí nhiều xe không che chắn, nên trong quá trình vận chuyển làm rơi vãi trên đường, tạo ra nguồn bụi lơ lửng trong không khí. Tại các khu vực đường vành đai như Đuôi Cá, đê sông Hồng, đường Láng - Hoà Lạc, chân cầu Thăng Long... có tới 95% tổng số xe tải lưu thông không đảm bảo yêu cầu vệ sinh, không che chắn và chở quá tải trọng. Bên cạnh đó còn phải kể đến sự tiếp tay của hàng trăm tụ điểm kinh doanh buôn bán vật liệu xây dựng không đủ các điều kiện kinh doanh đảm bảo vệ sinh môi trường, không che chắn vật liệu, sử dụng lòng đường, vỉa hè làm nơi tập kết... nhưng lâu nay chưa bị xử lý triệt để.

Xử phạt nặng

Thực tế, hầu hết các xe vận chuyển vật liệu, chất thải xây dựng hiện nay đều không đảm bảo các điều kiện kỹ thuật chống rơi vãi, không đảm bảo về be chắn thùng, không vệ sinh khi chở vật liệu, rời khỏi công trình xây dựng... và hoạt động chủ yếu ở khu vực vành đai cả ngày đêm, sẵn sàng chạy xuyên tâm thành phố nếu được đặt hàng. Tình trạng này đang tạo nên nhiều con đường “bụi” giữa lòng thủ đô như: Phạm Văn Đồng, vành đai 3, quốc lộ 32, Nguyễn Trãi, Giải Phóng, Tam Trinh... Mỗi ngày, trên các tuyến đường này có hàng trăm xe tải chuyên chở vật liệu xây dựng, đất đá, nhưng không được che đậy cẩn thận làm rơi vãi ra đường gây bụi bẩn và rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Đất, đá, cát, bụi rơi vãi trên đường từ các xe chở vật liệu hàng ngày trên các tuyến đường lâu nay vẫn là nỗi ám ảnh đối với người dân thủ đô. Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp, từ tăng cường tuyên truyền, Vận động cho đến nâng mức xử phạt các đối tượng vi phạm, giao liên ngành Giao thông vận tải (GTVT) - Công an kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt ra quân kiểm tra, xử lý, trong đó kịp thời bổ sung các chế tài xử phạt theo hướng tăng nặng lên tới hàng chục triệu đồng/trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, do quá trình xử lý không thường xuyên, các cấp chính quyền cơ sở buông lỏng quản lý, nhất là từ trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán, khiến vi phạm gia tăng.

Để khắc phục tình trạng này, thành phố hiện đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng các công trình trên địa bàn. Theo đó, các lực lượng thanh tra xây dựng, thanh tra GTVT, các quận, huyện, thị xã ngăn chặn từ xa các vi phạm thông qua việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận chuyển vật liệu, phế thải xây dựng ngay tại các công trường xây dựng, các bãi khai thác, điểm trung chuyển cát sỏi. Đối với các trường hợp vi phạm nếu bị phát hiện kiên quyết tạm giữ xe, xử phạt nặng theo quy định của pháp luật.

Còn theo quan điểm của Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, nhằm giải quyết triệt để các vi phạm, ngoài việc bắt giữ, xử phạt từng phương tiện, các cơ quan chức năng nên kiểm tra tất cả doanh nghiệp có phương tiện đang hoạt động chuyên chở phế thải, vật liệu xây dựng. Các trường hợp vi phạm cần được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó cần có cơ chế quy trách nhiệm cụ thể đối với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng như CSGT, thanh tra GTVT... phụ trách địa bàn. Làm được kiên quyết như vậy, vấn nạn phế thải gây ô nhiễm môi trường, phương tiện vi phạm sẽ được hạn chế.

Ai cũng biết việc đổ chất thải bừa bãi ra nơi công cộng là làm mất vệ sinh, tác động xấu đến cảnh quan môi trường sống, nhưng vì mức xử phạt cho các hành vi gây ô nhiễm môi trường đô thị đối với các xe chở vật liệu, phế thải chưa đủ sức răn đe, nên nhiều chủ xe vẫn coi thường. Để ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan có trách nhiệm cần sớm có cơ chế xử phạt thật nặng, bắt các chủ phương tiện vi phạm phải chi trả tiền dọn phế thải đổ bừa bãi, giam xe, thậm chí khởi tố các vụ án nghiêm trọng vi phạm các công trình công cộng, phạt nặng các công trình thuê xe chở phế thải... Ngoài ra, rất cần sự giám sát của quần chúng nhân dân để kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định. Có như vậy, mới có thể chung tay bảo vệ môi trường đô thị xanh sạch đẹp.

Nguyễn Tiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN