Hiện tượng một số vụ lái, phụ xe buýt đánh hành khách, xe buýt gây tai nạn chết người... xảy ra gần đây khiến nhiều người lo ngại nạn “hung thần” xe buýt tái hiện trở lại. Tuy nhiên, theo phản ánh của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, trong năm 2011 đã xảy ra 12 vụ nhân viên của mình bị hành khách hành hung; những nhân viên này đã bị xử lý nghiêm, tuy nhiên lại chưa có chế tài xử lý hành khách cản trở nhân viên xe buýt làm nhiệm vụ.
Xóa hình ảnh "hung thần xe buýt”Tổng Công ty Vận tải Hà Nội thừa nhận, nạn trộm cắp, móc túi ở các điểm trung chuyển và trên xe vào các giờ cao điểm, hiện tượng xe bỏ điểm dừng và thái độ phục vụ kém của một số lái xe, bán vé đang là một trong nhưng hạn chế, yếu kém cần khắc phục.
Trong năm 2011, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã phối hợp với Phòng PC 45 thực hiện trấn áp 4 vụ với các đối tượng là lái xe, bán vé chống lại lực lượng kiểm tra, giám sát. Đồng thời bắt 13 vụ móc túi với 18 đối tượng và kiểm tra hành chính 200 lượt các đối tượng có tiền án, tiền sự tại các điểm đầu, cuối, trung chuyển và điểm dừng xe buýt.
Gần đây nhất, ngày 29/3, lãnh đạo Xí nghiệp Xe điện Hà Nội đã quyết định đuổi việc phụ xe Nguyễn Doãn Vĩnh vì hành vi đánh hành khách là anh Kim Văn Chung rách da mí mắt trên tuyến xe 27, mang biển kiểm soát 29N - 8490, chạy tuyến Nam Thăng Long - bến xe Yên Nghĩa. "Không thể để con sâu làm rầu nồi canh, cần xử lý nghiêm minh và tăng cường giáo dục tư tưởng cho đội ngũ lái xe phải giỏi về chuyên môn đồng thời phải có đạo đức, thái độ tốt" - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp với Tổng Công ty Vận tải Hà Nội. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu kiên quyết xử lý lái phụ xe buýt không có ý thức phục vụ hành khách, đặc biệt cần bảo đảm không để xe chậm giờ, bỏ bến, để khách phải phàn nàn.
Theo Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường, năm 2011 có 12 vụ khách hành hung lái phụ xe, trong đó 4 lái xe phải vào bệnh viện vì thương tật, 6 vụ phải báo công an. Cá biệt trên tuyến 07 thường xuyên có hành khách đi xe không trả tiền vé, nếu lái xe có ý kiến thì lại hành hung lái xe.
Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết: Thời gian qua, lực lượng Công an thành phố đã tích cực tham gia đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, trong đó có hoạt động xe buýt công cộng thông qua tuyên truyền cho lái, phụ xe Luật Giao thông đường bộ và các quy định khi tham gia giao thông; tổ chức các hoạt động đấu tranh với các hành vi côn đồ tấn công lái, phụ xe. Khi nhận được điện báo, lực lượng Công an thành phố đã triển khai ngay biện pháp can thiệp.
Để hạn chế tối đa các vi phạm của nhân viên xe buýt, đại tá Ngọc đưa ra đề xuất, tới đây, trong công tác tuyển dụng cần quy định bắt buộc về độ tuổi cũng như thâm niên trong nghề của lái xe nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách. Cảnh sát Giao thông thành phố đang phối hợp với Sở Giao thông Vận tải lắp đặt thêm 10 camera tại các nút giao thông quan trọng, để ghi hình xử phạt tài xế vi phạm bằng hình ảnh.
Xây dựng "quả đấm thép"
Theo báo cáo của Tổng Công ty Vận tải, hiện nay, xe buýt Hà Nội đã đạt công suất khai thác rất cao với 1.152 hành khách/ngày, chạm ngưỡng tối đa. Hệ số sử dụng chứa bình quân toàn mạng đạt 80%, trong khi ở Singapore cũng chỉ đạt 50-55%. Giờ cao điểm hệ số sử dụng sức chứa của xe buýt càng cao hơn, bình quân là 140%, đặc biệt ở các tuyến trục hành lang lên gần 200%.
Trong 10 năm qua, xe buýt Hà Nội đã phát triển vượt bậc và đang đứng trước nhu cầu đi lại bằng xe buýt của người dân vẫn tiếp tục tăng, thể hiện ở tình trạng quá tải, nhất là vào các giờ cao điểm. Trong khi đó, vẫn còn nhiều khu dân cư chưa tiếp cận được với xe buýt, đặc biệt các khu vực dân cư nằm sâu trong ngõ hẹp như ngõ chợ Văn Chương, Nguyễn Ngọc Nại...; 38% hành khách đi xe buýt còn phải đi bộ trên 500m để đến điểm dừng xe buýt. Một số vùng xa trung tâm thành phố sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính vẫn chưa có xe buýt.
Để xây dựng hình ảnh "quả đấm thép" trong hoạt động vận tải hành khách công cộng, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đang triển khai nhiều biện pháp để lấy lại hình ảnh xe buýt trong lòng hành khách. Đồng thời cũng đưa ra các đề xuất, kiến nghị về cải thiện hạ tầng tạo thuận lợi cho vận hành xe buýt. Tổng Công ty đề nghị thành phố có cơ chế hỗ trợ lãi suất vốn vay để đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất của doanh nghiệp xe buýt và đề nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu CKD để lắp ráp xe buýt, nhất là xe buýt sàn thấp dễ tiếp cận và loại xe thân thiện với môi trường.
Đối với các giải pháp lâu dài, Tổng Công ty cũng kiến nghị bổ sung các tiêu chuẩn, quy định về dành hạ tầng cho vận tải hành khách công cộng trong các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng các khu đô thị mới, tập trung đầu tư sớm đưa các tuyến giao thông công cộng nhanh khối lượng lớn như BRT; Metro... vào hoạt động vì năng lực xe buýt chỉ có giới hạn.../.
Tuyết Mai