Chỉ tốn 7 triệu đồng đã có thể xây một lò đốt rác, giải quyết được vấn đề khó khăn lớn nhất của các trường học là xử lý lượng rác thải hàng ngày, giữ gìn môi trường sạch đẹp và bảo vệ sức khỏe cho học sinh. Mô hình xây lò xử lý rác thải này của huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh đang có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Cái khó “ló” ra sáng kiến hay
Trường Trung học cơ sở Tập Sơn (THCS) là trường đầu tiên trong huyện Trà Cú có sáng kiến xây lò xử lý rác thải vào năm học 2009 – 2010. Ấn tượng đầu tiên về ngôi trường là sân trường rất sạch sẽ, trước cửa mỗi lớp học đều đặt một sọt rác nhỏ bằng nhựa. Thầy Kim Thi, giáo viên của trường, vui vẻ giải thích: “Từ khi nhà trường xây lò đốt rác, mỗi lớp đều được trang bị một sọt rác nhỏ để tiện thu gom và để các em dễ dàng đổ vào lò sau khi tan học”. Trường THCS Tập Sơn có khoảng 800 học sinh. Nhiều năm qua, nhà trường rất “đau đầu” trước vấn đề giải quyết nguồn rác thải để bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe cho học sinh. Với lượng rác bình quân khoảng 200 kg/ngày, nhà trường phải xử lý bằng cách đào hố để chôn. Nhưng qua từng năm học nhà trường không còn đất để mà đào hố chôn rác, đó là chưa kể một số loại rác như chai nhựa... hàng chục năm không phân hủy. Trước thông tin một trường của huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long xử lý rác bằng cách đốt trong lò, Ban giám hiệu nhà trường đã nghiên cứu việc xây lò đốt rác trên cơ sở nghiên cứu từ lò trấu xây bằng xi măng. Lò có công suất xử lý rác thải 120 kg/lần, được xây dựng bằng gạch thẻ, sắt, xi măng, có chiều ngang 2 m, dài 3 m, cao 2 m, ống khói cao 4 m, có một cửa để đổ rác vào, một cửa dành để đốt lửa và thu tro bụi, kinh phí xây dựng chỉ có 7 triệu đồng. Ngày khai lò, kết quả vượt ngoài mong đợi, tất cả rác vô cơ, hữu cơ không cần phân loại đều được đốt cháy cùng lúc.
Lò xử lý rác thải của trường THCS Tập Sơn. |
Hay tin trường THCS Tập Sơn xây lò xử lý rác thải rất hiệu quả, Ban giám hiệu THCS Phước Hưng và THCS Định An đến tham quan và quyết định xây tại trường mình. Thầy Võ Hào Quang, Hiệu trưởng trường THCS Phước Hưng, phấn khởi cho biết: Qua 2 năm kể từ khi xây lò, trường không còn mùi hôi thối khiến dân cư quanh khu vực và phụ huynh học sinh phiền lòng. Mỗi ngày có hơn 200 kg rác đủ loại, nhưng chỉ cần một mồi lửa bằng vỏ xe hay nắm lá dừa là đốt sạch, chỉ còn lại chưa tới 2 kg tro bụi. Lúc đầu, Ban giám hiệu nhà trường định vận động phụ huynh đóng góp xây lò, nhưng chỉ với chi phí 7 triệu đồng nên nhà trường đã tự cân đối.
Không chỉ nhà trường mà phụ huynh học sinh cũng rất hài lòng trước hiệu quả thiết thực từ việc xây lò xử lý rác. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện vận động, khuyến khích các trường thực hiện. Tính đến đầu năm học này đã có thêm trường THPT Hàm Giang, THCS Hàm Giang, THCS Đôn Châu, THCS Tân Hiệp, Tiểu học Đại An A, Tiểu học Đôn Xuân A xây lò xử lý rác.
Sức lan tỏa của mô hình
Anh Nguyễn Văn Út, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Cú cho biết: Khi biết được tin về mô hình lò xử lý rác thải ở một số trường học trong huyện, UBND huyện cùng cán bộ Phòng Tài nguyên – Môi trường đã đến một vài nơi khảo sát. Có thể nói, mô hình lò xử lý rác này đạt hiệu quả rất tốt, giúp huyện nhân rộng ra ở khu dân cư, thậm chí là ở các chợ vùng nông thôn. Sắp tới, UBND huyện sẽ nhờ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh hỗ trợ khảo sát và nghiên cứu về mặt kỹ thuật để nâng cao công suất lò, đạt hiệu quả cao nhất. Trước mắt, UBND huyện sẽ làm thí điểm ở một vài ấp, khóm để tạo mô hình. Với chi phí chỉ 7 triệu đồng để xây dựng lò xử lý rác thải cho mỗi ấp, địa phương sẽ giải quyết được vấn đề khó khăn nhất là địa điểm xử lý rác tập trung để giữ gìn vệ sinh môi trường, góp phần thiết lập nếp sống văn minh cho người dân vùng nông thôn.
Anh Trần Văn Công, Chủ tịch UBND xã Phước Hưng cũng rất hồ hởi khi nói về mô hình lò xử lý rác. Anh cho biết, UBND xã đã có kế hoạch xây lò xử lý rác thải cho chợ xã với công suất gấp 4 lần so với lò của trường học. Kế hoạch đã có, chỉ còn chờ thợ xây trình bản vẽ, phương án kỹ thuật mang tính hiệu quả là sẽ khởi công. Theo anh Công, nếu xây một lò xử lý rác tốn kém khoảng 30 triệu đồng mà giải quyết được lượng rác khoảng 1 tấn/ngày tại chợ xã thì chi phí vẫn thấp hơn cả chục lần so với chi phí xây dựng một bãi rác tự hoại, nhưng vẫn không xử lý được mùi hôi thối.
Bài và ảnh: Phúc Sơn