Xây dựng nông thôn mới có mục đích cao nhất là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn, tạo sự đổi thay toàn diện ở từng vùng quê theo hướng văn minh, giàu bản sắc. Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân từng địa phương, quan tâm hỗ trợ, tạo thuận lợi của các cấp, ngành, 20 xã vùng biên Tây Ninh đều đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Đổi thay trên vùng đất Tân Biên
Huyện Tân Biên có trên 90km đường biên tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Từng chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh năm xưa, Tân Biên hôm nay đã thực sự đổi thay. Những con đường trải nhựa phẳng phiu. Những khu dân cư, trường học, trạm y tế khang trang. Cánh đồng mía, sắn, vườn cao su, cây ăn quả đã phủ một màu xanh. Vùng đất kháng chiến trước đây, nơi “đứng chân” của Trung ương Cục miền Nam, lãnh đạo Cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn, đã có sức sống mới.
Cuối tháng 8/2023, xã Tân Lập, huyện Tân Biên được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022, khẳng định những bước tiến trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập Nguyễn Đức Thắng thông tin: địa bàn xã có Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam cùng nhiều di tích quốc gia và cấp tỉnh như: Địa điểm Ban Kiểm tra Trung ương Cục miền Nam, địa điểm Căn cứ Đảng ủy Dân chính Đảng Trung ương Cục miền Nam, di tích Ban An ninh miền, địa điểm Ban Dân y Trung ương Cục miền Nam, Khu chứng tích tội các Khmer đỏ Pol Pot-Ieng Sary. Đồng thời, Tân Lập còn có Cửa khẩu quốc tế Xa Mát và Cửa khẩu quốc gia Chàng Riệc.
Với vị trí đặc biệt, truyền thống cách mạng hào hùng, trong xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Tân Lập xác định trách nhiệm, đặt quyết tâm cao để thực hiện bên cạnh sự hỗ trợ, tạo nhiều thuận lợi của các cấp, các ngành. Từ một xã bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Tân Lập đã sớm vươn lên trở thành một trong những trong những xã vùng biên đầu tiên của Tây Ninh đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015. Riêng trong năm 2022, xã huy động từ các nguồn lực được 67 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đến nay, 100% đường trục ấp, liên ấp với tổng chiều dài đã được cứng hóa, có hệ thống đèn chiếu sáng, đảm bảo sáng, xanh, sạch và đẹp.13 tuyến đường ngõ xóm với tổng chiều dài trên 9km không còn cảnh lầy lội, trơn trượt vào mùa mưa, bụi tung vào mùa nắng.
Là xã có lợi thế sản xuất nông nghiệp, diện tích đất canh tác trên 7.530 ha, Tân Lập xác định các cây trồng chủ lực là cao su, sắn, mía và cây mít. Từ đó, chính quyền xã và các đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân, hướng dẫn các biện pháp sản xuất đạt hiệu quả cao như phương pháp tưới nước cho cây trồng tiết kiệm nước, thực hiện “1 phải”( sử dụng giống xác nhận), “3 giảm” (giảm lượng giống, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân bón), “3 tăng”(tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả). Xã phát huy tiềm năng, nguồn lực sẵn có nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp tại địa phương, tăng dần tỷ trọng cơ cấu kinh tế của xã, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân Tân Lập đạt trên 78 triệu đồng/người/năm.
Ông Nguyễn Quốc Oai là chủ thể sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế nông thôn) đầu tiên của Tân Lập là sản phẩm mít Thái siêu sớm. Ông chia sẻ: Phát triển sản xuất, vừa nâng cao thu nhập cho gia đình, tạo việc làm cho nông dân, ông rất tự hào có sản phẩm OCOP là mít Thái siêu sớm với hương vị ngọt thanh nhẹ, giòn, thơm, múi to có màu vàng tươi, đưa ra thị trường. Bốn ha trồng mít Thái siêu sớm được gia đình ông chăm bón theo hướng sinh học, thân thiện môi trường, đạt tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam), mỗi năm cho khoảng trên 42 tấn quả. Đây chính là là sản phẩm OCOP đầu tiên trên địa bàn xã, nâng giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên mỗi ha đất nông nghiệp, góp phần đưa Tân Lập trở thành xã nông thôn mới nâng cao năm 2022.
Hành trình không có điểm dừng
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân khẳng định, Tân Lập là một trong những xã tiêu biểu ở vùng biên của tỉnh, vươn lên từ khó khăn, xây dựng thành công nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Hiện nay, Tây Ninh đã có 61/71 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 20 xã biên giới thuộc các huyện Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Bến Cầu và thị xã Trảng Bàng đều đạt chuẩn nông thôn mới hoặc nông thôn mới nâng cao.
Các xã nông thôn mới ở biên giới có hệ thống cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm ngày càng hoàn thiện. Tại các xã, tất cả các tuyến đường trục liên xã đều được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, 100% hộ dân có điện sử dụng thường xuyên.
Tuy nhiên, xây dựng nông thôn mới ở Tây Ninh nói chung, các xã vùng biên nói riêng là hành trình không có điểm dừng để ngày càng nâng cao đời sống nhân dân và góp phần bảo đảm an ninh trật tự, giữ vững chủ quyền quốc gia. Tỉnh đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025 có thêm 8 xã vùng biên đạt nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới vùng biên đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
Tây Ninh phấn đấu đến năm 2030 tất cả các xã, trong đó có các vùng biên, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 100% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn nới, trong đó 50% số đơn vị cấp huyện được công nhân nông thôn mới nâng cao. Đến năm 2050, phấn đấu đưa Tây Ninh trở thành tỉnh có nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại sản xuất có hiệu quả và thân thiện với môi trường. Đời sống người dân nông thôn không ngừng được nâng cao, không còn hộ nghèo và trở thành nơi đáng sống, văn minh, sạch đẹp.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh cho biết, tỉnh coi trọng khâu tuyên truyền để người dân tiếp tục đồng thuận, hiểu rõ đây là chương trình hết sức nhân văn, không phải là vấn đề thành tích mà cốt yếu là nâng cao đời sống nhân dân. Tỉnh phân bổ các nguồn ngân sách, huy động sự đóng góp, thu hút đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng - kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị. Đồng thời, triển khai hiệu quả, quả đồng bộ các dự án, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương và địa phương; đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn.
Đề cập về giải pháp phát triển kinh tế - xã hội ở vùng biên, trong đó có thế mạnh ngành kinh tế tổng hợp là du lịch, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tây Ninh, bà Trần Thị Huy Hoàng cho biết thêm: Với điều kiện vị trí địa lý đặc thù, tài nguyên thiên nhiên ưu đãi, văn hóa đa dạng, độc đáo, Tây Ninh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển cho du lịch vùng biên. Tỉnh đã và đang dần phát triển nhiều sản du lịch hấp dẫn như: du lịch về nguồn, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Đặc biệt, điểm nhấn du lịch vùng biên của Tây Ninh chính là điểm đến trên địa bàn xã nông thôn mới nâng cao Tân Lập (huyện Tân Biên) với Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam và Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát, nơi được công nhận là một trong những Vườn Di sản ASEAN. Bên cạnh đó, các địa phương vùng biên Tây Ninh còn có nhiều công trình kiến trúc độc đáo như chùa Nam tông Khmer, nét văn hóa độc đáo của người Khmer qua điệu múa Lâm Thôn, nghệ thuật biểu diễn dàn nhạc ngũ âm, múa trống Chhay - dăm là những sản phẩm du lịch đầy tiềm năng.
Để du lịch vùng biên giới phát triển mạnh mẽ hơn, tương xứng với tiềm năng, qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cùng các địa phương đang tiếp tục mở rộng kết nối, khai thác hiệu quả hơn các tour du lịch về nguồn, du lịch văn hóa, tạo thêm điểm nhấn và trải nghiệm mới mẻ cho du khách khi đến Tây Ninh.
Bài 2: Giữ vững biên cương