Nâng bước em đến trường
Đồn Biên phòng Kà Tum một ngày giữa tháng 10. Căn phòng ghi dòng chữ “Phòng ở con nuôi Đồn Biên phòng” nằm ngay trong khuôn viên đơn vị, cảnh tượng thật đầm ấm. Các chiến sỹ đang hướng dẫn hai em Chanh Đi và Danh Đa soạn sách vở, đeo khăn quàng đỏ để “bố nuôi” chở đến Trường Trung học Cơ sở xã Tân Đông kịp giờ học buổi chiều. Khi được hỏi chuyện, câu trả lời đầu tiên của hai em là "Các chú bộ đội rất thương tụi con. Con mong học giỏi, sức khỏe tốt, sau này cũng được trở thành chiến sỹ Biên phòng như các chú".
Thượng tá Phạm Lương Tâm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Kà Tum cho biết, thực hiện chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng”, do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động, Đồn nhận nuôi Chanh Đi và Danh Đa từ tháng 9/2019. Đây là hai em nhỏ người dân tộc Khmer có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sống với ông bà, ở xa cha mẹ. Lúc mới về ở với bộ đội Biên phòng, hai em còn rất nhút nhát, chưa quen nền nếp sinh hoạt, việc hướng dẫn, chăm sóc các “con nuôi” gặp nhiều khó khăn. Đồn Biên phòng Kà Tum có những cán bộ, chiến sỹ đã lập gia đình riêng nhưng gia đình ở xa hoặc có người chưa lập gia đình riêng, chưa làm cha. Thế nhưng, tất cả đều coi Chanh Đi và Danh Đa như con ruột, dành tất cả sự quan tâm và thương yêu.
Cùng hoàn cảnh khó khăn như Chanh Đi và Danh Đa, Huỳnh Văn Dương ở xã Tân Hòa (huyện Tân Châu) có cha mẹ đã ly hôn, Dương ở với họ hàng. Cách đây 5 năm, khi đang là học sinh lớp 3, Dương được cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Tống Lê Chân đón về chăm sóc.
Trung úy Nguyễn Đình Đức, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Tống Lê Chân chia sẻ, Dương rất hiếu động, lực học chưa được tốt lắm. Các “bố nuôi” luôn động viên, khích lệ để con vươn lên. Ngoài giờ học, Dương được các chiến sỹ hướng dẫn chơi thể thao, tập nấu những món ăn đơn giản, giúp em có cảm giác ấm áp, gần gũi thân thương của gia đình thực sự.
Không chỉ thực hiện tốt chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng”, tại nhiều xã vùng biên Tây Ninh, chương trình “Nâng bước em đến trường” giúp đỡ các trường hợp khó khăn cả về vật chất và tinh thần, để nhiều học sinh vùng biên có hoàn cảnh khó khăn không bị “gián đoạn” con đường đến trường cũng được các chiến sỹ Biên phòng thực hiện với trách nhiệm và tình thương yêu của người lính “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”.
Thiếu tá Nguyễn Văn Vương, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Tống Lê Chân thông tin, thực hiện Chương trình “Nâng bước em đến trường” đơn vị đã làm tốt công tác phối hợp với các trường học và chính quyền địa phương để khảo sát, lựa chọn, nhận đỡ đầu những học sinh hoàn cảnh khó khăn. Đơn vị đang đỡ đầu 6 học sinh, trong đó có 1 trường hợp thuộc địa bàn ngoại biên ở xã Chomcrovien, huyện Mê Mốt, tỉnh T’bong Kh’mum (Campuchia). Đơn vị thường xuyên cử cán bộ phối hợp cùng gia đình, nhà trường nắm kết quả học tập, rèn luyện, sức khỏe của từng trường hợp, thăm hỏi, động viên gia đình tạo điều kiện cho các em đi học đều, không bỏ học giữa chừng; đồng thời tổ chức trao học bổng, hỗ trợ quần áo, sách vở, đồ dùng học tập, xe đạp, máy tính cho các em. Năm học 2022 - 2023, năm học sinh trong chương trình “Nâng bước em đến trường” của đơn vị đã đạt kết quả học tập giỏi và khá, trong đó em Đỗ Nguyễn Phương Anh trúng tuyển vào Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học, Thành phố Hồ Chí Minh.
Các đơn vị của Bộ đội Biên phòng Tây Ninh đang nhận nuôi 7 cháu có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, mồ côi cha, mẹ và nhận đỡ đầu 73 cháu, giúp đỡ những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn đến trường. Qua đó, người dân yên tâm về con em mình, tích cực lao động sản xuất, đồng thời khắc sâu hơn hình ảnh đẹp của người lính mang quân hàm xanh đối với nhân dân.
Gắn kết tình quân - dân
Các xã vùng biên tỉnh Tây Ninh giờ đây đã hình thành rõ nét diện mạo nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao qua những ngôi nhà, trường học, trạm y tế khang trang, ruộng vườn phủ màu xanh cây trái, những gương mặt phấn khởi, tin tưởng bàn chuyện phát triển kinh tế của người dân. Càng xúc động khi được nghe những câu chuyện sẻ chia ân tình do chính người dân nói về sự quan tâm, gắn bó của các chiến sỹ Bộ đội Biên phòng.
Bà Võ Thị Lâm (62 tuổi, ở ấp Tân Kiên, xã biên giới Tân Hà, huyện Tân Châu) xúc động kể, hai con trai của bà trên đường mưu sinh không may bị tai nạn, một người qua đời, một người rơi vào cảnh tàn tật, mất một chân. Cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Tân Hà, trong đó có Thượng tá, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Tân Hà Hoàng Như Nam đã cùng đồng đội, kết nối vận động nhà hảo tâm đóng góp kinh phí, mua tặng con trai bà Lâm xe ba gác để anh có phương tiện mưu sinh phù hợp điều kiện sức khỏe. Gia đình bà còn được hỗ trợ kinh phí sửa lại ngôi nhà bị dột, thấm nước vào mùa mưa.
Cùng ở xã Tân Hà, bà Nguyễn Thị Huyền (70 tuổi) chưa quên cảm giác vui mừng khi vào tháng 3 được bước vào ngôi nhà “Đại đoàn kết” do Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Tân Hà phối hợp với Đảng ủy, UBND và Ủy ban MTTQ xã Tân Hà hỗ trợ xây dựng. Bà chia sẻ, người dân ở đây xem các chiến sỹ Biên phòng như người thân trong gia đình. Gia đình nào gặp khó khăn đều nhận được quan tâm, giúp đỡ.
Thượng tá Triệu Ngọc Am, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tân Hà nhấn mạnh, đơn vị luôn gắn bó với quần chúng nhân dân, làm tốt công tác vận động nhân dân thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động xây dựng “Điểm sáng văn hóa biên giới”. Từ đó, giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, động viên đồng bào tích cực tham gia phong trào quần chúng tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự, xóm, ấp khu vực biên giới để cùng chung tay xây dựng vùng biên bình yên, hòa bình, vững mạnh.
Nói về những việc làm ý nghĩa thể hiện sự gắn bó, nghĩa tình quân - dân, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh, Đại tá Phạm Đình Triệu khẳng định với nhiều việc làm mang ý nghĩa nhân văn, bộ đội Biên phòng Tây Ninh đã đóng góp vào sự phát triển toàn diện nông thôn vùng biên, đời sống người dân khu vực biên giới ngày càng được nâng lên, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.