Coi người lao động là "trái tim" của doanh nghiệp
Thực tế cho thấy, văn hóa công nhân, văn hóa của mỗi thành viên trong doanh nghiệp được hiểu là "văn hóa doanh nghiệp" thẩm thấu trong mỗi người công nhân. Nói ở chiều ngược lại, mỗi người công nhân cùng một lúc sở hữu, thực hành, hưởng thụ văn hóa doanh nghiệp (hệ giá trị và hệ thống quy phạm). Đó là hai chiều biện chứng của văn hóa công nhân và văn hóa doanh nghiệp.
Cũng bởi vậy, văn hóa công nhân cần coi trọng cả hai nội dung (hệ giá trị và hệ thống quy phạm), tính hai chiều trong quan hệ văn hóa công nhân - văn hóa doanh nghiệp. Chính văn hóa công nhân quyết định sự thành bại của quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp, ngược lại văn hóa doanh nghiệp được xây dựng từ văn hóa công nhân và cung cấp lại một môi trường văn hóa doanh nghiệp cho công nhân được hưởng thụ.
Theo Tiến sỹ Chu Xuân Giao, Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), mọi chiến lược kinh doanh đều dễ dàng bị sao chép, chỉ có văn hóa là thứ gene để doanh nghiệp làm nên sự khác biệt. Đây là nhận định rất chính xác bởi mỗi doanh nghiệp có một văn hóa riêng, phù hợp với lịch sử, truyền thống và lý tưởng của doanh nghiệp. Chính vì vậy, nhà nghiên cứu văn hóa Chu Xuân Giao khẳng định: Văn hóa doanh nghiệp có vai trò, ảnh hưởng rất lớn đến kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp.
Chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển văn hóa doanh nghiệp, Tổng Giám đốc vùng Công ty TNHH Coast Phong Phú Trần Trâm Anh cho hay, văn hóa giống như vaccine đi vào doanh nghiệp và cần phải "đủ liều", đúng thời điểm. Một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa là phải xem con người như là "trái tim" của doanh nghiệp, nếu trái tim khỏe, doanh nghiệp sẽ khỏe và phát triển tốt. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong công việc, ứng xử có trước có sau với người lao động đã và sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và người lao động ngày càng gắn bó với doanh nghiệp.
Trong bối cảnh nền kinh tế, xã hội vẫn còn chịu nhiều tác động của đại dịch COVID-19, để văn hóa doanh nghiệp trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển của kinh tế, nhiều ý kiến của các nhà khoa học đề xuất Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng và thực thi văn hóa công chức, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, phụng sự đất nước là trên hết. Các doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam cần có chủ trương, chính sách phù hợp để khuyến khích, động viên.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị các bộ, ngành, theo lĩnh vực quản lý nhà nước, căn cứ vào pháp luật và thẩm quyền, có các cơ chế quan tâm đến các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam. Việc quy định đạt chuẩn văn hóa kinh doanh là một tiêu chí để các doanh nghiệp được bình xét, bình chọn các danh hiệu quốc gia khác có liên quan.
Đứng trước những thách thức không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế đầy cạnh tranh, nhiều nhà khoa học cho rằng, các doanh nghiệp không nên chỉ chú trọng đến lợi nhuận đơn thuần mà phải xem người lao động vừa là động lực cho phát triển kinh doanh, vừa là mục tiêu của hoạt động kinh doanh; xem đơn vị kinh doanh là một gia đình lớn, trong đó mỗi thành viên cần có trách nhiệm và hành động về sự tồn tại, phát triển của nó. Mặt khác, người lao động phải là đối tượng được chăm sóc và được hưởng thành quả, công sức mình làm ra một cách thỏa đáng.
Quan hệ đối xử, phong cách kinh doanh là nét riêng của từng doanh nghiệp; có những doanh nghiệp rất tôn trọng người lao động, tôn trọng nhân viên dưới quyền, tạo điều kiện cho các thành viên phát triển đầy đủ cả về vật chất và tinh thần. Xem xét quan hệ giữa đời sống vật chất và tinh thần cho thấy đây là hai mặt của đời sống con người, là hai mặt của vấn đề. Vật chất ở đây chính là tiền lương, tiền thưởng và các phúc lợi dịch vụ khác; tinh thần ở đây là sự khích lệ, vui chơi giải trí… Ngoài công việc ra, các nhà quản lý cần quan tâm, chia sẻ với người lao động những lúc họ ốm đau hay quan tâm tới những thành viên trong gia đình, để người lao động cảm thấy doanh nghiệp như là gia đình thứ hai.
Bà Nguyễn Ngọc Lệ, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần MISA tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để xây dựng được văn hóa tại doanh nghiệp của mình, các doanh nhân cần phải trả lời 5 câu hỏi: Làm sao tạo được niềm tin cho khách hàng và cho cán bộ, nhân viên? Làm sao tạo được sự đoàn kết, gắn bó trong đội ngũ? Làm sao tạo được những thói quen tốt, hành động tốt cho cán bộ, nhân viên? Làm sao nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc? Làm sao duy trì và lan tỏa văn hóa để doanh nghiệp phát triển bền vững?
Bà Lệ chia sẻ những giá trị cốt lõi của Misa là: Tin cậy - Tiện ích - Tận tình. Nhiều doanh nghiệp muốn phát triển giá trị văn hóa nhưng không thành công vì chưa có nhiều bài học, chưa có người chỉ đường. Việc xây văn hóa doanh nghiệp không khó, quan trọng là lãnh đạo doanh nghiệp có thực sự muốn làm và sẵn sàng xây dựng một hệ giá trị văn hóa hay không, mới là nhân tố quyết định cho ước muốn này.
Đưa nội dung văn hóa vào thỏa ước lao động tập thể
Nhiều nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực lao động cho rằng, muốn xây dựng văn hóa doanh nghiệp, mọi người cần hiểu rõ các nội dung phải thực hiện và lan tỏa. Cụ thể, xác định các trụ cột chính cần phải lan tỏa trong công nhân lao động gồm: Xây dựng văn hóa an toàn nhằm tạo dựng môi trường làm việc tốt nhất cho người lao động, an toàn trong sản xuất, di chuyển và sinh hoạt; xây dựng nguyên tắc ứng xử của tất cả các thành viên; tối đa hóa giá trị cho khách hàng thông qua hệ thống kiểm soát chất lượng hoàn hảo và giảm chi phí giá thành; nâng cao phúc lợi cho người lao động bằng các chương trình, chính sách tối ưu cho người lao động; phát triển bền vững doanh nghiệp gắn với trách nhiệm cộng đồng.
Tiến sỹ Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần đó chính là đảm bảo sự phát triển ngày càng nhiều của cải vật chất cho con người và xã hội. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là hết sức cần thiết, vì bản thân doanh nghiệp không chỉ là một không gian kinh tế, vật chất xã hội. Bên trong nó, mối quan hệ giao tiếp giữa người lao động với nhau, người lao động với người sử dụng lao động còn xác lập những hình thức quy ước mang tính biểu tượng, thúc đẩy sự tin cậy, hiểu biết, góp phần xây dựng con người, là nguồn lực gián tiếp tạo ra giá trị vật chất, lợi ích kinh tế. Đó chính là văn hóa doanh nghiệp.
Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam Nghiêm Thùy Lan cho biết, Tập đoàn đã đưa nội dung thực hiện văn hóa doanh nghiệp vào thỏa ước lao động tập thể, có sự cam kết song phương giữa người sử dụng lao động và người lao động về thực hiện văn hóa tại nơi làm việc. Cụ thể, xác định các quy định, các giá trị văn hóa của đơn vị làm chuẩn mực để cán bộ, công nhân viên, người lao động thực hiện, căn cứ Sổ tay văn hóa Petrovietnam, các đơn vị hệ thống lại, hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới.
Để thực hiện kế hoạch này, bà Lan cho biết, Tập đoàn đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến bằng các công cụ truyền thông, tăng cường tuyên truyền trực quan về những quy định, các giá trị văn hóa của đơn vị đến cán bộ, công nhân viên, người lao động biết và hiểu để nâng cao nhận thức, ý thức trong việc thực hiện các giá trị chung; chỉnh trang, sắp xếp vị trí làm việc của cán bộ, công nhân viên, người lao động thân thiện, hiện đại, khoa học; áp dụng, thực hiện mô hình 5S tại văn phòng, nhà máy, công trình dầu khí; đổi mới hình ảnh, không gian làm việc, tạo nét riêng biệt của từng bộ phận…
Công đoàn Dầu khí đã chủ trì tổ chức rất nhiều hoạt động lan tỏa Văn hóa dầu khí trong gần 60.000 đoàn viên công nhân lao động, đóng góp quan trọng vào kết quả gìn giữ, xây dựng và tái tạo Văn hóa Petrovietnam. Công đoàn Dầu khí Việt Nam luôn xác định rõ nhiệm vụ đưa Văn hóa dầu khí thấm sâu trong nếp nghĩ, hành động của đoàn viên, công nhân lao động. Do vậy, triển khai Văn hóa dầu khí luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Công đoàn. "Trong hành trình ấy, trong mọi hoàn cảnh, Công đoàn Dầu khí Việt Nam đã và sẽ làm tốt vai trò của mình trong xây dựng và lan tỏa Văn hóa dầu khí" - Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam Nghiêm Thùy Lan khẳng định.