Xây dựng thế trận lòng dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới

Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, vùng biển, đảo của Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Nhận thức rõ điều này, trong những năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng (BĐBP) xây dựng khu vực biên giới, hải đảo vững mạnh, toàn diện.

Chú thích ảnh
Các chiến sĩ thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (Kon Tum) tuần tra biên giới.

Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy Bộ Tư lệnh BĐBP khẳng định: Thấm nhuần quan điểm “dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể, mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”; lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt”; BĐBP luôn thực hiện hiệu quả vai trò lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh biên giới. Cùng với việc triển khai toàn diện các mặt công tác biên phòng, BĐBP còn có nhiều chủ trương, giải pháp, với những mô hình cụ thể, nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng “thế trận lòng dân” ở khu vực biên giới, làm nền tảng để "xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp. Củng cố nền biên phòng và thế trận biên phòng toàn dân vững chắc gắn với thế trận an ninh nhân dân.

Thời gian qua, các đơn vị BĐBP đã làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm cho nhân dân về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ tăng cường xã, đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt tại chi bộ các xóm, bản biên giới, tham gia phụ trách hộ dân ở khu vực biên giới.

Tích cực tham mưu và triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức nhiều hoạt động, việc làm thiết thực, hiệu quả cùng với nhân dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới. Đến nay, “thế trận lòng dân” khu vực biên giới được xây dựng, củng cố ngày càng vững mạnh. Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” được tổ chức đồng bộ, hiệu quả.

Nhân dân khu vực biên giới tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, tin tưởng vào BĐBP, tích cực phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng đời sống mới, ấm no, hạnh phúc và tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng cho rằng, hiện nay biên giới, khu vực biên giới không chỉ là “phên giậu”, mà còn là cửa ngõ để giao lưu, hội nhập, thúc đẩy sự phát triển toàn diện, vững chắc của đất nước. Vì vậy, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia đặt ra những yêu cầu mới, rất cao, với những thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen. Bên cạnh đó, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến mới, phức tạp. Các thế lực thù địch đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ, với âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc. Hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại có chiều hướng gia tăng.

Trong khi đó, trình độ, nhận thức, đời sống của một bộ phận nhân dân khu vực biên giới có mặt còn hạn chế. Năng lực của cấp ủy, chính quyền cơ sở ở khu vực biên giới còn những bất cập; điều kiện công tác của BĐBP còn nhiều khó khăn... Những yếu tố trên phần nào đã tác động trực tiếp đến chất lượng các mặt công tác biên phòng nói chung, nhiệm vụ xây dựng “thế trận lòng dân” nói riêng. 

Để khắc phục những khó khăn, tiếp tục xây dựng và củng cố “thế trận lòng dân” khu vực biên giới, Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng cho rằng: Cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động để giúp người dân hiểu và tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước nói chung, của cấp ủy, chính quyền địa phương nói riêng.

BĐBP tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống mới, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của địa phương, tạo cơ sở, nền tảng để củng cố nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong mọi tình huống. Đồng thời, làm cho cấp ủy, chính quyền và nhân dân ở khu vực biên giới thấy rõ "quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị".

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP cần ý thức một cách đầy đủ rằng muốn quản lý, bảo vệ tốt biên giới quốc gia phải dựa vào nhân dân, vì nhân dân, “nhân dân là chủ thể”, “mỗi người dân biên giới là cột mốc sống”, lực lượng vũ trang là nòng cốt, BĐBP là lực lượng chuyên trách. Chủ động tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.

Chú thích ảnh
Chiến sĩ biên phòng Đồn Biên phòng cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai) chào cột mốc trên đường tuần tra biên giới.

Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng cho rằng, cấp ủy, chỉ huy BĐBP các cấp phải bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có chủ trương, biện pháp củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền, các đoàn thể. Cùng với đó, cần tăng cường tham mưu, phối hợp, làm tốt công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng.

Chú trọng tham gia công tác phát triển đảng viên mới; tiếp tục tham mưu, phối hợp tổ chức thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ BĐBP tăng cường cho các xã đặc biệt khó khăn ở khu vực biên giới; đảng viên đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt ở chi bộ các xóm, bản biên giới; đảng viên đồn Biên phòng phụ trách các hộ dân trong địa bàn khu vực biên giới.

Tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới, xác định đây là giải pháp cơ bản, lâu dài, là điều kiện tiên quyết để xây dựng "thế trận lòng dân" khu vực biên giới vững chắc. Để thực hiện giải pháp này, Chính ủy Bộ Tư lệnh BĐBP cho rằng, lực lượng biên phòng cần tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương những biện pháp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh. Đầu tư cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào khu vực biên giới.

Các đồn Biên phòng tiếp tục thực hiện tốt phong trào "BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới", “Mái ấm biên cương”... Tiếp tục nhân rộng các mô hình do BĐBP xây dựng, cùng với nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo...

Trong 5 năm qua (2014-2019), các đơn vị BĐBP đã tham gia củng cố 2.190 chi bộ, 4.738 tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh. Tăng cường 332 cán bộ cho các xã, phường biên giới, hải đảo, trong đó có 258 đồng chí giữ các chức danh trong cấp ủy, chính quyền địa phương. Giới thiệu 1.560 đảng viên tham gia sinh hoạt tại chi bộ các thôn, xóm, bản biên giới, phân công 9.661 đảng viên phụ trách 42.247 hộ gia đình ở khu vực biên giới. Đỡ đầu gần 3.000 cháu học sinh nghèo ở khu vực biên giới (trong đó có gần 200 cháu học sinh nước bạn Lào và Campuchia) với mức hỗ trợ 500.000 đồng/cháu/tháng. Nhận nuôi 318 cháu học sinh tại các Đồn Biên phòng.

Những việc làm mang tính nhân văn sâu sắc đó, đã góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết quân dân, tô đẹp thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân. 

Song song với đó, các Đồn Biên phòng cần tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương xây dựng các chương trình, dự án, phát triển hạ tầng, nhất là đường giao thông nông thôn, đường tuần tra biên giới, các cơ sở y tế, giáo dục, văn hóa và các dịch vụ thương mại, bảo đảm nhân dân có điều kiện ổn định cuộc sống lâu dài, yên tâm bám làng, bám bản, góp phần giữ vững ổn định chính trị, kinh tế - xã hội, giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, xây dựng khu vực biên giới ngày càng vững mạnh. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp với nhiệm vụ xây dựng “thế trận lòng dân” ở khu vực biên giới.

Xác định sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng “thế trận lòng dân” khu vực biên giới là nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang khu vực biên giới; các cấp ủy, chỉ huy BĐBP phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương những chủ trương, giải pháp, hình thức xây dựng “thế trận lòng dân” phù hợp. Lấy trọng tâm là công tác vận động quần chúng, thực hiện tốt công tác sơ tổng kết, tích cực nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt” trong xây dựng “thế trận lòng dân” khu vực biên giới.

Nhân dân ở khu vực biên giới có vai trò đặc biệt quan trọng bởi "mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống", vì vậy chỉ có "xây dựng thế trận lòng dân" vững chắc, BĐBP mới hoàn thành được nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao cho trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Trong những năm qua, BĐBP đã đóng góp, xây tặng 1.373 căn nhà “Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới” trị giá trên 10 tỷ đồng. Đóng góp quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trên 25,5 tỷ đồng, nhận phụng dưỡng 118 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Xây dựng “Quỹ hiếm muộn và bệnh hiểm nghèo” trong BĐBP, đã hỗ trợ 485 gia đình quân nhân hiếm muộn (có 235 cặp vợ chồng hiếm muộn đã sinh con), 348 đồng chí mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh cần chữa trị dài ngày, với số tiền trên 12 tỷ đồng.
Bài và ảnh: Nguyễn Viết Tôn/Báo Tin tức
Vai trò của bộ đội biên phòng trong củng cố chính trị cơ sở, phát triển dân tộc La Hủ
Vai trò của bộ đội biên phòng trong củng cố chính trị cơ sở, phát triển dân tộc La Hủ

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh miền núi, trong đó có Lai Châu nên diện mạo các xã biên giới, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Lai Châu đã có thay đổi đáng kể; đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN