“Vùng trắng” sau chiến tranh Nằm cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 25 km và được xem là "ngách" của thành phố với nhiều khó khăn về hạ tầng, sau nhiều lần đổi tên, sáp nhập và chia tách, Xuân Thới Thượng ngày nay là một xã thuộc huyện Hóc Môn. Vùng đất này từng trải qua nhiều khốc liệt trong thời kỳ chiến tranh, trong đó vùng ấp 1 (hay còn gọi là Giồng Bằng Lăng) là mảnh đất nổi tiếng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Thảm bê tông nhựa tuyến đường liên ấp, liên tổ 21-6 của xã Xuân Thới Thượng. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Thời kỳ kháng chiến, nơi đây khá hẻo lánh nên được chọn là nơi ở và hoạt động của nhiều cán bộ, đảng viên, du kích. Để trấn áp tinh thần cách mạng của nhân dân ta, thực dân Pháp từng lập trường bắn Ngã Ba Giồng ngay tại xã, nhiều chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống trên mảnh đất này, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Theo Lịch sử Đảng bộ xã Xuân Thới Thượng, quân địch đã từng thốt lên, ở đất Giồng này, cứ lật cục đất lên là sẽ thấy Cộng sản.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, người dân Xuân Thới Thượng bị địch dồn vào ấp chiến lược. Nhớ về những năm ác liệt đó, ông Phạm Văn Cáo (68 tuổi, ngụ ấp 1, xã Xuân Thới Thượng) cho biết, đây là vùng tranh chấp ác liệt giữa ta và địch. Chúng đem quân đến đàn áp, bắt bớ và gom dân vào ấp chiến lược, nhưng tinh thần đấu tranh cách mạng ở vùng đất này vẫn luôn sục sôi. Thậm chí, trước sức đàn áp của giặc, nhiều người đã ra đi, nhưng sau đó lại quay về hoạt động cách mạng.
Sau ngày giải phóng, xã Xuân Thới Thượng đã vươn lên mạnh mẽ. Hiện nay, xã có 7 ấp với trên 45.000 nhân khẩu. Với tinh thần cách mạng Mười tám thôn vườn trầu, người dân Xuân Thới Thượng đã nỗ lực vượt qua khó khăn, cùng với chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, xây dựng quê hương. Sau 4 năm được chọn điểm và nỗ lực thực hiện, xã Xuân Thới Thượng đã được công nhận là xã nông thôn mới vào năm 2014. Từ một "vùng trắng" sau chiến tranh, xã Xuân Thới Thượng đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhất là cơ sở hạ tầng.
Xây dựng nông thôn mới Giờ đây, những con đường ở Xuân Thới Thượng đã được trải nhựa và bê tông hóa đến tận nhà dân. Bộ mặt nông thôn của vùng quê này thật sự thay đổi kể từ khi Xuân Thới Thượng được Thành phố Hồ Chí Minh chọn là một trong sáu xã điểm xây dựng nông thôn mới của thành phố.
Theo ông Phan Hiếu Sơn, Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng, đường giao thông nông thôn được nâng cấp mở rộng, nhựa hóa kết nối liên xã, liên ấp, giữa các khu dân cư, tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển giao thương hàng hóa, góp phần phát triển kinh doanh dịch vụ, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng “thương mại - dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp”.
Học sinh trường THCS Nguyễn Văn Cừ tham quan Nhà truyền thống khu di tích lịch sử Ngã Ba Giồng. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Giai đoạn 2010 - 2012, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt chưa tới 30 triệu đồng/ người/năm. Những năm gần đây xã đã có sự phát triển vượt bậc từ việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với địa phương, tạo việc làm cho lao động địa phương. Hiện thu nhập bình quân đầu người trong xã đã đạt trên 40 triệu đồng/năm, số người có việc làm đạt khoảng 96%.
Với xuất phát điểm là vùng nông thôn của thành phố, cùng với thương mại - dịch vụ, Xuân Thới Thượng chủ trương phát triển tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp theo hướng hiện đại. Xã đã thành lập và phát triển Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Ngã Ba Giồng với gần 30 hộ là thành viên; thành lập và phát triển mô hình cà phê khuyến nông với 16 thành viên, 2 tổ ngành nghề truyền thống đan nệm với 29 thành viên và 28 tổ hợp tác (dịch vụ nông nghiệp, chăn nuôi bò sữa, rau nhà lưới)…
Thời gian tới, xã sẽ hỗ trợ hoạt động của Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Ngã Ba Giồng nhằm củng cố thương hiệu, tiếp cận các nguồn vốn vay để mở rộng sản xuất, khai thác quỹ đất nông nghiệp còn trống… đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao. Bên cạnh đó, xã khuyến khích nhân rộng một số mô hình nông nghiệp sạch, giá trị kinh tế cao như trồng hoa lan, hoa kiểng…; xây dựng các giải pháp khuyến khích chuyển đổi ngành nghề đối với các hộ chăn nuôi xen cài trong khu dân cư trên địa bàn.
Ông Phạm Văn Phong (80 tuổi, ngụ ấp 1, xã Xuân Thới Thượng) là một cán bộ lão thành cách mạng từng hoạt động trong vùng căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Sau ngày thống nhất, ông cùng gia đình trở về quê hương ở ấp 1, xã Xuân Thới Thượng. Là người con của vùng đất này, theo ông Phạm Văn Phong, sự đổi thay của quê hương là rất tự hào, bởi nơi đây từng được xem như là một “vùng trắng” trong kháng chiến. Sau năm 1975, người dân quay trở về để sinh sống và xây dựng lại cuộc sống với rất nhiều khó khăn. Hiện đời sống người dân được nâng cao và vẫn giữ được nét riêng của vùng đất cách mạng.
Gìn giữ và phát huy giá trị của các di tích lịch sử, di tích quốc gia, Khu tưởng niệm Liệt sĩ Ngã Ba Giồng được hoàn thành từ năm 2010 đã trở thành địa chỉ đỏ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng. Từ năm 2010 đến nay, Khu tưởng niệm đã đón tiếp khoảng 1.000 đoàn với gần 100 ngàn lượt khách đến tham quan, về nguồn. Hiện Ban Quản lý Khu tưởng niệm đang tiến hành chăm sóc các nọc trầu, trồng cau, góp phần giới thiệu hình ảnh của vùng đất Mười Tám Thôn Vườn Trầu đến du khách.