Xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã được phát động trên phạm vi toàn quốc nhằm mục đích tạo cho các vùng nông thôn phát triển toàn diện, nâng cao mức sống người dân, xóa đói giảm nghèo.

Đến nay, nhiều địa phương đã thực hiện và đạt hiệu quả rõ rệt, bộ mặt nông thôn đã được đổi thay, đời sống kinh vế, văn hóa của người dân ngày càng được nâng cao. Cùng với các địa phương trong cả nước, các tỉnh ĐBSCL đã đón nhận kịp thời các chủ trương của Đảng và Nhà nước và đã triển khai Chương trình xây dựng NTM sâu rộng. Tin Tức Cuối tuần xin giới thiệu một số địa phương điển hình về xây dựng NTM tại vùng đất này.



Đổi thay ở huyện nghèo Phước Long

Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đang được triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước. Qua một năm triển khai xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, có thể khẳng định chương trình này đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, diện mạo nông thôn đã có những đổi mới đáng kể, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên.

Phước Long là huyện nông thôn thuộc diện nghèo của tỉnh Bạc Liêu - là một trong 5 huyện của cả nước được Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM Trung ương chọn làm huyện điểm trong giai đoạn 2010-2015. Để thực hiện tốt chủ trương xây dựng NTM toàn diện, tỉnh Bạc Liêu đã huy động các nguồn lực dồn sức tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ.

Làng quê Bạc Liêu ngày càng đổi mới.

Ông Trần Hoàng Duyên, Bí thư Huyện ủy Phước Long cho biết, khi huyện được Trung ương chọn làm điểm chỉ đạo xây dựng NTM người dân trong huyện vô cùng phấn khởi. Huyện đã khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo, triển khai cho các ngành, các cấp tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững đề án, kế hoạch xây dựng NTM. Theo đó, Ban chỉ đạo đã phát động các phong trào xây dựng giao thông nông thôn “ấp liền ấp”; xây dựng gia đình, khóm, ấp văn hóa; xây dựng hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng, kết hợp quy hoạch các mô hình sản xuất đa canh, đa con. Phát triển các mô hình sản xuất kết hợp bền vững, nhằm nâng cao thu nhập, làm giàu cho nông dân như: Mô hình lúa-tôm-cá; lúa-cá; lúa-màu… Qua đó, xây dựng các cánh đồng mẫu cho thu nhập bình quân từ 100-150 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, mạng lưới bưu điện, y tế, giáo dục… tuyến cơ sở cũng được đầu tư xây dựng đồng bộ. Cũng theo ông Duyên, qua một năm xây dựng NTM, có nhiều chỉ tiêu ở các xã, thị trấn đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Đặc biệt, chương trình được cán bộ và nhân dân đồng thuận cao, cùng góp sức chung tay xây dựng nông thôn ngày thêm giàu đẹp.

Đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn ở huyện Phước Long

Ông Nguyễn Văn Minh- một hộ dân ở xã Phước Long, huyện Phước Long, phấn khởi cho biết: Mấy năm về trước, địa phương này còn giao thông cách trở, điện, đường có nơi có nơi không. Trường học, thiết chế văn hóa… chưa được đầu tư xây dựng, việc đi lại của người dân và học tập của con em gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay nông thôn Phước Long như “mặc trên mình chiếc áo mới”, giao thông được đầu tư đồng bộ, nhiều ngôi trường mới khang trang được mọc lên. Địa phương huy động xây dựng nhiều công trình cầu, đường nông thôn, kè chống sạt lở… do “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đặc biệt, do áp dụng nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao nên đời sống người dân không ngừng phát triển, xóm, ấp trở nên sôi động hơn.

Bên cạnh huyện Phước Long được Trung ương chọn làm điểm chỉ đạo, tỉnh Bạc Liêu còn triển khai Chương trình xây dựng NTM đến 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Theo ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi, trong năm qua huyện đã triển khai thực hiện đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tại 7/7 xã, trị trấn trong huyện. Trong đó, Ban chỉ đạo đã quy hoạch xã Châu Thới là điểm chỉ đạo của tỉnh, xã Châu Hưng A là điểm chỉ đạo của huyện. Mặc dù, chương trình được triển khai thực hiện trong thời gian ngắn, song đã thu được một số kết quả khả quan trên tất cả các lĩnh vực, làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Vĩnh Lợi, tính đến cuối năm 2011, đã triển khai thực hiện 13 công trình ở xã Châu Thới bằng vốn giải ngân nhà nước hỗ trợ cho huyện, với mức đầu tư hơn 21 tỉ đồng. Ban chỉ đạo cấp huyện, xã cũng tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng thực hiện 19 tiêu chí về xây dựng NTM. Kết quả, xã Vĩnh Hưng đạt 6/19 tiêu chí, xã Châu Thới, Vĩnh Hưng A, Hưng Thành đạt 5/19 tiêu chí, xã Hưng Hội, Châu Hưng A đạt 4/19 tiêu chí và xã Long Thạnh đạt 3/19 tiêu chí.

Theo Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Bạc Liêu, để phát huy kết quả đạt được trong những năm tiếp theo, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt hơn việc tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa việc xây dựng NTM. Các cán bộ, đảng viên cần đi đầu, gương mẫu góp sức, hiến đất, hiến kế xây dựng mô hình NTM, mô hình kiểu mẫu. Đồng thời, cần ưu tiên xây dựng giao thông nông thôn, đẩy mạnh phát triển sản xuất để tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Bên cạnh đó, cần xã hội hóa một số xã điểm để tạo phong trào, khí thế trong nhân dân.

Bài và ảnh: Huỳnh Sử

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN