Hồ chứa nước thủy điện Sông Hinh (Phú Yên). Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN
Phát triển để duy trì ổn định thúc đẩy phát triển
Toàn ngành Tài nguyên và Môi trường bám sát Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ giữ vững tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, phát huy mạnh mẽ quyết tâm đổi mới, đột phá, sáng tạo, sự chủ động, dám nghĩ, dám làm theo chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tạo đà bứt phá”.
Cụ thể, ngành thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, đạt kết quả cao nhất các quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030, các Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 – 2025. Ngành phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị; chủ động, tích cực chuẩn bị, tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng; tập trung tổng kết, đánh giá các Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 và xây dựng các Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2026-2030.
Ngành Tài nguyên và Môi trường tiếp tục quan điểm lấy phát triển để duy trì ổn định, ổn định để thúc đẩy phát triển; tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, phát triển mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh... Bên cạnh đó, ngành chủ động nắm bắt, khai thác hiệu quả các cơ hội, thời cơ từ bên ngoài và bên trong nền kinh tế; bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đột phá về thể chế được ngành Tài nguyên và Môi trường xác định là “đột phá của đột phá”, phải đi sớm, đi trước mở đường cho đột phá phát triển; đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa phục vụ yêu cầu quản lý, vừa thúc đẩy phát triển, khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển đất nước. Ngành đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để, bảo đảm “rõ người, rõ việc, rõ thời hạn, rõ trách nhiệm, rõ kết quả” gắn với tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát, kiểm soát quyền lực, nâng cao năng lực thực thi.
Cùng với đó ngành tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Đặc biệt, ngành tập trung đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” và có cơ chế, chính sách đột phá bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Xác định các nhiệm vụ cụ thể
Để phát huy hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển đất nước, Chương trình hành động ngành Tài nguyên và Môi trường tập trung vào 12 nhiệm vụ cụ thể.
Trong đó, ngành tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về Tài nguyên và Môi trường đáp ứng yêu cầu quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp vừa là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực thực hiện. Ngành đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện trách nhiệm giải trình, bảo đảm công khai, minh bạch được ngành đề cao; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt, hiệu quả trong hành động; tiếp tục khơi dậy và thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước.
Ngành tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”; tổ chức thực hiện Luật Đất đai năm 2024, tiếp tục xây dựng, trình ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
Bên cạnh đó, ngành tập trung tuyên truyền phổ biến pháp luật mới về tài nguyên nước đến các bộ ngành, địa phương, tổ chức cá nhân có liên quan đảm bảo chính sách pháp luật mới về tài nguyên nước được thực thi hiệu quả; tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý về lĩnh vực địa chất và khoáng sản, bao gồm các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn lĩnh vực địa chất.
Ngành cũng tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ môi trường nói chung và công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học nói riêng; kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái đa dạng sinh học; tiếp tục cải thiện chất lượng môi trường sống; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước…
Ngành Tài nguyên và Môi trường cũng tập trung xây dựng, hoàn thiện chính sách, cơ chế tạo thuận lợi chuyển đổi số; hoàn thiện quy định kỹ thuật tạo cơ sở pháp lý về cơ sở dữ liệu Tài nguyên và Môi trường, kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, quản lý, chuyên môn; chuyển đổi phương thức làm việc lên môi trường số…