Bởi vậy, song song với việc tiếp thu văn hóa mới, công nghệ mới của thời kỳ 4.0, Hà Nội cũng phải khẳng định là địa phương đi đầu trong hoạt động văn hóa thời hiện đại và tìm cách để quá trình hiện đại hóa không làm mất đi bản sắc của vùng đất kinh kỳ.
Con người đô thị: Giá trị cốt lõi
Tại hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập đến yếu tố con người, nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Hiếm có Thủ đô nào có nhiều tài năng, có nhiều người đạt giải Olympic quốc tế như Hà Nội. Cần tạo môi trường để nhân tài đi 4 phương trời vẫn hướng về Hà Nội”.
Có thể thấy, sẽ không thể có một đô thị thông minh với những thiết bị tối tân mà chủ nhân của nó không đủ trình độ, kỹ năng để vận hành. Xây dựng thành phố thông minh không chỉ là việc áp dụng các sản phẩm công nghệ thông minh mà điều quan trọng hơn là xây dựng được cộng đồng dân cư văn minh. Đó là những công dân có kiến thức, nhận thức và hành vi ứng xử phù hợp trong điều kiện sống ở đô thị.
Nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển con người, những năm qua, Hà Nội chú trọng đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Hà Nội hiện có hơn 2.600 trường học với khoảng 1,8 triệu học sinh, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 52%. Hà Nội là địa phương đi đầu trong phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục trung học phổ thông, đồng thời là đơn vị đầu tiên triển khai hệ thống tuyển sinh đầu cấp trực tuyến, hệ thống sổ điểm, sổ liên lạc điện tử tại các trường học. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 có 70% trường mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia.
Để đáp ứng nhu cầu lao động ngày càng tăng trong tình hình mới, với mục tiêu giải quyết việc làm cho 152.000 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 63,5% vào cuối năm 2018, thành phố đang tập trung rà soát, sắp xếp lại hệ thống trường nghề; nâng cao chất lượng dạy nghề, gắn hoạt động đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, thị trường.
Với hơn 2 triệu lao động, trung bình mỗi năm thành phố giải quyết việc làm cho 140 nghìn người. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, Hà Nội đã giải quyết việc làm cho hơn 97.000 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 2,44% và yêu cầu các trường nghề chất lượng cao xây dựng ngành, nghề trọng điểm, nâng cao chất lượng đầu vào, bảo đảm chất lượng đầu ra. Bên cạnh đó, đảm bảo lao động có kỹ năng, tay nghề vững vàng, sẵn sàng tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới.
Giữ gìn bản sắc thành phố nghìn năm
Thời gian qua, song song với xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, tân tiến, các chương trình “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và đặc biệt là phong trào “Người tốt, việc tốt” được triển khai sâu rộng trên địa bàn thành phố Hà Nội, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần giữ vững và ổn định tình hình chính trị - xã hội Thủ đô.
Nhờ vậy, bản sắc văn hóa truyền thống của mảnh đất Thăng Long, văn hóa xứ Đoài và các vùng văn hóa khác ngày càng được duy trì, phát huy, lan tỏa.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố, tỷ lệ tổ dân phố văn hóa đạt 70,5%, làng văn hóa đạt 60%, gia đình văn hóa đạt 86,5%. Đặc biệt, thành phố đã triển khai thực hiện 2 bộ quy tắc là “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố”. Bên cạnh đó, thành phố đưa vào giảng dạy bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Thủ đô để thế hệ trẻ kế thừa, phát huy những giá trị, nét đẹp văn hóa của người Hà Nội, truyền thống gia đình, họ tộc và cộng đồng dân cư.
Tại buổi làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Hà Nội là nơi hội tụ văn hóa của cả nước, các cấp, ngành thành phố cần vào cuộc, triển khai hai bộ quy tắc ứng xử và quan tâm đến hoạt động văn hóa có chất lượng để Hà Nội xứng đáng là Thủ đô của cả nước, đồng thời giữ vững niềm tin của người dân cả nước vào Hà Nội.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, làm văn hóa là công việc thường xuyên, lâu dài, không thể ngày một ngày hai. Trong khi đó, tác động của hội nhập quốc tế hiện nay là rất lớn, bởi vậy thành phố cần tích cực nêu gương những trường hợp ứng xử đẹp, tuyên truyền để nhân rộng trong cộng đồng.
Tại Lễ kỷ niệm 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội Khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội (1/8/2008 - 1/8/2018), đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định: Việc xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại không chỉ là vinh dự và trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội, mà còn là trách nhiệm của Trung ương và cả nước. Vì vậy, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương cần phát huy cao hơn nữa trách nhiệm của mình, quan tâm, chỉ đạo phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Hà Nội, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng tốt hơn yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức của nhân dân cả nước, Hà Nội sẽ không chỉ đơn thuần là một thành phố thông minh, mà còn tự tin khẳng định bản lĩnh một “Thủ đô thông minh” trên bản đồ thế giới.