Xây dựng Hà Nội trở thành thành phố thông minh: Bài 1 - Hình thành nền tảng đón xu thế tất yếu

Hiện nay, Hà Nội và một số tỉnh, thành phố lớn đang tập trung xây dựng nền tảng thành phố thông minh.

Vậy, thành phố thông minh là gì? Người dân được lợi gì khi sống trong thành phố thông minh? Xây dựng thành phố thông minh ở Hà Nội có gì khác so với các thành phố khác?... Đây là những vấn đề được người dân cả nước nói chung, người dân Thủ đô nói riêng đặc biệt quan tâm.

Bài 1: Hình thành nền tảng đón xu thế tất yếu

Chú thích ảnh
Từ ngày 1/8/2018, Hà Nội đã chính thức đưa vào vận hành 3 tuyến xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (khí CNG). Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Nghị quyết 11-NQ/TW năm 2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 đã chỉ rõ, Hà Nội phải phấn đấu để thực sự là địa phương đi đầu, về đích sớm 1 - 2 năm sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Hà Nội đang tích cực thực thi nhiệm vụ này bằng những bước đi đầu tiên trong quá trình xây dựng thành phố thông minh.

Lựa chọn của nhiều quốc gia

Thành phố thông minh hay đô thị thông minh được hiểu là mô hình thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên.

Phát triển theo hướng “thông minh” là sự lựa chọn mang tính tình nguyện. Trên thế giới có khoảng 180 thành phố thông minh. Song, trong thực tế bùng nổ công nghệ số, việc nắm bắt và làm chủ công nghệ, xây dựng thành phố thông minh trở thành nhiệm vụ tất yếu, đặc biệt đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, một thành phố năng động như Hà Nội. Bởi vậy, sự tình nguyện ấy còn mang tính bắt buộc.

Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng việc phát triển Thủ đô Hà Nội - thành phố rộng hơn 3.000km2 với 7,65 triệu dân thành một đô thị hiện đại, đáng sống. Trong buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội ngày 29/9/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, Hà Nội cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, thu hút, trọng dụng nhân tài cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hướng tới xây dựng hình ảnh thành phố đô thị văn minh - năng động - hội nhập.

Nhiệm vụ xây dựng thành phố thông minh được HĐND thành phố Hà Nội bổ sung tại Nghị quyết về việc điều chỉnh “Chương trình mục tiêu Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020”, đồng thời nâng kinh phí thực hiện chương trình từ 1.252 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng. Đây là nền tảng quan trọng để Hà Nội phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, xây dựng thành phố thông minh.

Ông Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, tiến trình xây dựng thành phố thông minh của thành phố gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2020) hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh; giai đoạn 2 (từ năm 2021 đến năm 2025) hoàn thành cơ bản các hệ thống thông minh, thu hút người dân tham gia quản lý xã hội và hình thành nền kinh tế số; giai đoạn 3 (từ sau năm 2025) sẽ phát triển thành phố thông minh ở mức độ cao với đặc trưng của nền kinh tế tri thức.

Hiện nay, Hà Nội đang trong giai đoạn xây dựng nền tảng cơ sở hạ tầng của thành phố thông minh, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, ưu tiên phát triển các thành tố thông minh trong lĩnh vực giao thông, du lịch, y tế, môi trường, năng lượng, bảo đảm an ninh trật tự…

Công dân “Thủ đô thông minh” được gì?

Chú thích ảnh
Người dân đến làm thủ tục tại bộ phận một cửa Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội tại tầng 1-2 nhà N1 A-B, khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Ảnh: TTXVN phát

Lợi ích hai chiều thành phố thông minh mang lại rất rõ nét: Một mặt là công cụ chủ yếu để cải cách hành chính, giúp giảm chi phí quản lý bộ máy chính quyền, chi phí của doanh nghiệp; mặt khác lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, mang lại môi trường tích cực, an toàn cho công dân.

Theo ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nền tảng chính quyền điện tử dần được hình thành tại Thủ đô Hà Nội. Thành phố đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu dân và kết nối mạng WAN đến tất cả các sở, ngành và 30 quận, huyện, thị xã cùng 584 xã, phường, thị trấn. Đáng chú ý, đã có 538/1.833 dịch vụ công trực tuyến được thực hiện ở mức độ 3, mức độ 4.

Với nền tảng trên, năm 2018, Hà Nội tập trung xây dựng, hình thành Trung tâm Điều hành thông minh và triển khai một số thành phần cơ bản của các hệ thống giao thông thông minh, du lịch thông minh.

Thành phố đang hình thành, hoàn thiện 3 trung tâm chức năng của Trung tâm Điều hành thông minh gồm: Trung tâm giám sát bảo mật, an toàn thông tin; Trung tâm hỗ trợ cán bộ sử dụng công nghệ thông tin; Trung tâm quản lý thông tin báo chí và thông tin truyền thông.

Một số thành phần cơ bản của hệ thống giao thông thông minh như: Hệ thống thông tin giao thông tích hợp; hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ bằng hình ảnh; hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông thông minh… đang được xây dựng.

Đặc biệt, người dân 4 quận nội thành Hà Nội đã được tiếp cận hệ thống hỗ trợ tìm kiếm và thanh toán phí trông giữ xe qua điện thoại thông minh (iParking) tại các điểm trông giữ xe ô tô. Thành phố đã nhân rộng mô hình này từ 17 điểm lên 146 điểm và nhận được sự ủng hộ tích cực từ người dân nhờ sự tiện dụng, minh bạch, tránh tình trạng “chặt chém” khi gửi xe.

Đối với việc xây dựng hệ thống du lịch thông minh, Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội năm 2018 nêu rõ, các thành phần cơ bản của hệ thống này sẽ được hình thành và đưa vào khai thác, sử dụng trong năm nay gồm: Cổng thông tin du lịch Hà Nội và ứng dụng mobile; bản đồ số du lịch Hà Nội; phương tiện hỗ trợ truy nhập thông tin cho khách du lịch.

Ngoài Trung tâm Điều hành thông minh, giao thông thông minh, du lịch thông minh, Hà Nội cũng đang tập trung thiết lập các thành phần cơ bản của thành phố thông minh như: Hệ thống năng lượng thông minh, giáo dục thông minh, chăm sóc sức khỏe thông minh… hướng tới việc mang lại môi trường sống tích cực hơn cho công dân. Nhờ đó, người dân Thủ đô có thể được sử dụng năng lượng với chi phí thấp, đi lại thuận tiện, chăm sóc sức khỏe toàn diện… Đặc biệt, người lao động sẽ có thêm cơ hội học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng trong không gian sống và làm việc vừa tầm thu nhập, tăng khả năng cạnh tranh trên trường thế giới.

Những điểm ưu việt của một thành phố thông minh là khá rõ ràng. Song với xuất phát điểm là Thủ đô của đất nước nông nghiệp, một trong những địa phương đi đầu, làm điểm với khối lượng công việc đồ sộ, việc xây dựng thành phố thông minh ở Hà Nội chắc chắn gặp không ít khó khăn cần tập trung giải quyết.

Bài 2: Những 'khoảng trống' cần lấp đầy

Văn Cảnh - Mai Linh (TTXVN)
Hà Nội lấy ý kiến về dự thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị
Hà Nội lấy ý kiến về dự thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị

Sáng 10/8, Thành ủy Hà Nội tổ chức lấy ý kiến góp ý của các quận, huyện, thị xã vào dự thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN