Chồng chất các vấn đề đô thị
Theo các chuyên gia về kiến trúc đô thị, thách thức lớn hiện nay trong xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam là sự hình thành, phát triển đô thị còn thiếu kiểm soát, năng lực cạnh tranh của đô thị không cao, chất lượng đô thị yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu sử dụng của người dân.
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, trật tự đô thị luôn là vấn đề nóng. Tại Kỳ họp thứ 4, HĐND thành phố khóa XV có 195/297 kiến nghị thuộc lĩnh vực đô thị và kinh tế, chiếm 65,7% tổng số kiến nghị. Con số này ở Kỳ họp thứ 5 là 153/229 kiến nghị, chiếm 66,8% và tại Kỳ họp thứ 6 là 165/227 kiến nghị, chiếm 72,7%. Tỷ lệ trên cho thấy cử tri Hà Nội đặc biệt quan tâm đến kinh tế và đô thị.
Cách đây 10 năm, Hà Nội thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính, với quỹ đất rộng gấp 3,6 lần. Hà Nội đã khang trang hơn nhờ sự ra đời của nhiều khu đô thị mới và các tuyến đường huyết mạch như đại lộ Thăng Long, cao tốc Hà Nội - Lào Cai, tuyến Nhật Tân - Nội Bài... Các quy hoạch phân khu, quỹ đất dành cho y tế, giáo dục... đều cơ bản được hoàn thành. Hòa Lạc, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Sơn Tây, Xuân Mai được định hướng trở thành các khu đô thị vệ tinh, góp phần giảm áp lực cho vùng đô thị lõi.
Tuy nhiên, đến nay tình trạng quá tải hạ tầng vẫn đang diễn ra gay gắt. Khu đô thị, chung cư mọc lên ngày càng nhiều ở nội đô, tạo thêm áp lực cho các bệnh viện, trường học công lập. Trong khi đó, các “cực đô thị” vẫn quá đìu hiu, vắng vẻ, Phú Xuyên, Sóc Sơn… cơ bản vẫn là những huyện thuần nông. Riêng Hòa Lạc đã thu hút 81 dự án với tổng số vốn 66.000 tỷ đồng, giao đất trên 360 ha nhưng vẫn ngổn ngang, vắng vẻ.
Về giao thông, tiêu chí đầu tiên của giao thông thông minh là chấm dứt tình trạng tắc nghẽn, tích hợp nhiều loại hình giao thông tân tiến, đáp ứng mọi nhu cầu đi lại của người dân. Thành phố Hà Nội đã có nhiều tuyến đường cao tốc, đường vành đai. Trong 10 năm, thành phố đã xây mới 223 km đường, hoàn thành 9 cầu vượt nhẹ, 37 hầm bộ hành, 33 cầu đi bộ, 8 hầm chui cơ giới, 68 hầm chui phục vụ dân sinh…
Tuy nhiên, sự phát triển của hạ tầng giao thông vẫn chưa bắt kịp nhu cầu thực tế. Tình trạng tắc đường và các điểm ngập úng trong khu vực nội đô vẫn còn là nỗi ám ảnh với nhiều người. Mới đây nhất, cơn mưa xảy ra vào cuối tháng 7/2018 khiến đường phố ngập sâu, tắc nghẽn nhiều giờ, nhất là trên các tuyến phố được coi là “điểm đen” như Nguyễn Trãi, Vũ Trọng Phụng, Vương Thừa Vũ… Các tuyến đường sắt đô thị cũng đang dần hiện hữu trên địa bàn Hà Nội, tuy nhiên chưa có một dự án nào hoàn thiện, không ít dự án chậm tiến độ, đội vốn lên hàng nghìn tỷ đồng.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng Viện nghiên cứu định cư, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam nhận định, Hà Nội sắp đạt đến ngưỡng của một siêu đô thị, nhưng quá trình tăng dân số lại không tỷ lệ thuận với sự cung ứng hạ tầng và quản lý đô thị. Thành phố thiếu hụt nghiêm trọng hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng và phúc lợi xã hội. Cứ giữ tình trạng này, sau một đến hai thập kỷ nữa, tình trạng bế tắc, quá tải của hệ thống giao thông sẽ ngày càng nan giải.
Vấn đề không của riêng ai
Quá tải hạ tầng, ô nhiễm môi trường hay các thách thức trong phát triển công nghệ, đảm bảo an ninh mạng… không phải là vấn đề của riêng Hà Nội. Đây là khó khăn mà nhiều siêu đô thị trên thế giới đã hoặc đang phải đối mặt.
Tại Tokyo, Nhật Bản, ước tính khoảng 11 triệu người sử dụng tàu điện ngầm mỗi sáng, nhân viên các trạm tàu điện buộc phải “chèn ép” hành khách trong khi mỗi hành khách cố gắng chiếm lấy từng cm khoảng không ít ỏi. Ở Hồng Kông (Trung Quốc), do giá nhà đất quá cao, khoảng 200.000 người đang phải sống trong những căn nhà siêu nhỏ, có căn chỉ 5m2, các chuyên gia phân tích đã cảnh báo nguy cơ thị trường bất động sản "sụp đổ" ở khu vực này…
Vấn đề xảy ra tại những thành phố lớn trên thế giới chỉ ra rằng, thiết bị, phần mềm có thông minh đến đâu cũng trở nên vô dụng nếu không đáp ứng nhu cầu của người dân, không đảm bảo an toàn. Hà Nội cần nhìn vào đó để rút kinh nghiệm, đưa ra lộ trình xây dựng thành phố thông minh một cách khả thi, tránh lãng phí tiền của, nhân lực.
Trong buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội vào tháng 7/2018, ông Eric Garcetti, Thị trưởng thành phố Los Angeles (Hoa Kỳ) chia sẻ, Los Angeles cũng từng chịu tác động nghiêm trọng của ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, chỉ sau 30 năm xây dựng thành phố với những chính sách hợp lý, mức độ ô nhiễm không khí đã giảm được 90%. Los Angeles luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Hà Nội giải quyết các vấn đề đô thị, tiến tới xây dựng thành phố thông minh.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Thục, muốn đổi mới, đô thị phải được quy hoạch theo dạng hợp tác giữa chính quyền, nhà chuyên môn, nhà đầu tư với cơ chế chủ động tham gia và giám sát của người dân tại địa điểm quy hoạch. Đây không phải việc của riêng chính quyền đô thị mà là công việc của mỗi công dân đô thị.
Cũng theo các chuyên gia, mục đích cuối cùng của xây dựng thành phố thông minh là tạo ra sự tiện lợi cho dân cư. Kiến trúc phải kết hợp hài hòa giữa yếu tố hiện đại với yếu tố truyền thống và sự thân thiện với môi trường. Mức độ thụ hưởng các tiện ích không quá chênh lệch giữa các nhóm cư dân. Chỉ số về môi trường phải được cập nhật liên tục để có những biện pháp điều chỉnh phù hợp. Cơ sở dữ liệu được liên thông nhưng phải có tính bảo mật cao, tránh rò rỉ hoặc sử dụng thông tin cá nhân sai mục đích…
Cùng với tăng cường ứng dụng công nghệ, tiếp thu cái mới, quá trình xây dựng thành phố thông minh ở Hà Nội cũng phải đảm bảo kế thừa, phát huy nét đẹp riêng có trong văn hóa để phát triển bền vững, lâu dài.
Bài 3: Hòa nhập nhưng không hòa tan