Đường vào thôn Trung Báo, xã Cao Thắng (Lương Sơn) được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GT-VT. Ảnh: baohoabinh.com.vn |
Toàn bộ hơn ba chục km đường trục thôn, xóm và đường nội đồng đã được bê tông hóa và rải cấp phối, xe cơ giới đi lại thuận tiện, không còn lầy lội vào mùa mưa. Cao Thắng là xã đầu tiên trong 19 xã, thị trấn của huyện miền núi Lương Sơn được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2015.
Chủ tịch UBND xã Cao Xuân Ái cho biết: Năm 2011, xã Cao Thắng mới đạt 8/19 tiêu chí, một số bộ phận cán bộ đảng viên còn có tư tưởng trông chờ ỷ lại, nguồn lực huy động trong dân cho công tác xây dựng nông thôn mới gặp rất nhiều khó khăn.
Xã đã kiện toàn Ban quản lý và Ban phát triển thôn, tổ chức các buổi tuyên truyền về chương trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, do đó việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 của xã đã hoàn thành mục tiêu đề ra.
Trong 5 năm, xã Cao Thắng đã huy động trên 41 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó ngân sách Trung ương gần 5 tỷ đồng, ngân sách tỉnh trên 19 tỷ đồng, nhân dân đóng góp bằng tiền mặt, hiến đất, công lao động trị giá trên 1,6 tỷ đồng. Trong xã đã xuất hiện nhiều cá nhân, gia đình, doanh nghiệp đóng góp tiền của trong xây dựng nông thôn mới.
Tiêu biểu như gia đình ông Tống Văn Hùng, Nguyễn Mạnh Hùng ở thôn Chợ Bến, ông Bùi Văn Luyện ở thôn Lai Trì, ông Đặng Văn Pháo thôn Trung Báo, ông Nguyễn Chí Thảo thôn Bá Lam… Đáng chú ý, ông Nguyễn Văn Các, Bí thư Chi bộ thôn Song Huỳnh là người tiên phong, gia đình ông tự nguyện phá tường rào, cây lâu năm, hiến trên 200 mét vuông đất làm đường liên thôn, tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng.
Để tăng thu nhập cho nhân dân xóa đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo, các ban ngành, đoàn thể xã đã phối hợp với Trung tâm khuyến nông – khuyến lâm huyện mở 5 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhân dân về chăn nuôi lợn, gà, 40 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chế biến các loại cây thuốc nam. Đồng thời, quan tâm tạo điều kiện phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn tạo thu nhập cho nhân dân. Đến nay, trong cơ cấu kinh tế của xã dịch vụ thương mại chiếm 39,2%, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề chiếm 19,2%.
Với sự nỗ lực của đảng bộ, chính quyền và đồng thuận của nhân dân đến năm 2015 xã đã đạt 19 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 8,09 %. Tỉ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 30%; 7/9 thôn đạt làng văn hoá, 100% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trên 70% người dân tham gia bảo hiểm y tế.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Bùi Tuấn Hanh, mặc dù đã hoàn thành giai đoạn I của mục tiêu xây dựng nông thôn mới, song xã Cao Thắng không chủ quan mà hướng tới xây dựng nông thôn mới bền vững. Trong giai đoạn 2016-2020, xã phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2,5%... Xã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa; nhân rộng mô hình hộ và hợp tác xã liên kết đầu tư cung ứng nông sản sạch cho thủ đô Hà Nội góp phần đưa nghị quyết Đại hội Đảng XII vào cuộc sống.