Một số đơn vị cử cán bộ chưa sát với nhu cầu thực tế, đơn vị tuyến dưới có nơi còn chưa sẵn sàng về nhân lực để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật, cá biệt còn có tình trạng ỷ lại khiến cán bộ tuyến trên về phải làm thay việc của cán bộ tuyến dưới... Đó là những vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai Đề án 1816.
Bài cuối: “Mọi hoạt động đều hướng tới tính bền vững của Đề án”
Th.S Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, trao đổi với Tin Tức xung quanh những giải pháp mà Bộ Y tế sẽ triển khai nhằm giải quyết những vướng mắc nêu trên.
Xin ông cho biết những vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai Đề án 1816? Bộ Y tế đã và sẽ có giải pháp gì để giải quyết, thưa ông?
Đề án 1816 là một chủ trương rất đúng đắn. Nhưng giữa chính sách và thực tế bao giờ cũng có khoảng cách. Điều quan trọng là ngành y tế luôn nỗ lực hướng tới tính bền vững của Đề án 1816 bằng cách kịp thời phát hiện, điều chỉnh những vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện.
Thời gian đầu, quả thực cũng có tình trạng cán bộ tuyến dưới chê bai, ỷ lại, thử tài, “bắt” BS tuyến trên phải làm thay. Thậm chí, có nơi còn “sợ” BS tuyến trên tham gia vào các hoạt động chuyên môn, sợ cái dốt của mình bị "lộ", còn cán bộ tuyến trên cũng muốn "phô diễn” kỹ thuật… Tuy nhiên, đó là những vụ việc cá biệt, Bộ Y tế đều nắm bắt được tình hình và đã chấn chỉnh ngay.
Đối với việc một số đơn vị do không tiến hành khảo sát kỹ, chỉ dựa vào công văn đề xuất của tuyến dưới để cử cán bộ xuống hỗ trợ, cán bộ được cử đi không phù hợp với nhu cầu, hiệu quả bị hạn chế, Bộ đã yêu cầu chấn chỉnh và chỉ đạo các đơn vị phải tổ chức khảo sát kỹ. Chỉ cử cán bộ xuống chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới khi tuyến dưới có đủ phương tiện, trang thiết bị và cán bộ tiếp nhận kỹ thuật. Bộ Y tế vẫn tiếp tục theo dõi sát và kịp thời chấn chỉnh những đơn vị không làm tốt những quy định đề ra.
Hiện nay, quy định thời gian đi luân phiên của cán bộ theo Đề án 1816 là 3 tháng một đợt đối với một cán bộ, song thực tế cũng có những chuyên ngành đặc thù và những kỹ thuật chuyển giao trong thời gian ngắn hơn. Vì vậy, khi thực hiện, Bộ Y tế giao cho các giám đốc BV căn cứ vào tình hình thực tế đề xuất thời gian đi luân phiên của cán bộ phù hợp nhưng cũng phải đủ 1 tháng và không được làm ảnh hưởng tới hiệu quả của công tác luân phiên và chuyển giao kỹ thuật.
Bác sĩ Bệnh viện đa khoa thành phố Đà Nẵng chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật trượt đốt sống cột sống thắt lưng cho các y, bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN |
Về chế độ đãi ngộ đối với cán bộ đi luân phiên, thực sự lãnh đạo Bộ Y tế cũng rất trăn trở và đây là một thách thức đối với ngành. Trước mắt, để khuyến khích và hỗ trợ thêm các cán bộ đi luân phiên, Bộ Y tế đang nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ về việc phụ cấp cho các cán bộ đi luân phiên, ví dụ cán bộ đi luân phiên sẽ được hưởng thêm 50 - 70% lương, tùy từng vùng, miền.
Một thách thức khác mà chúng tôi đang phải đối mặt là làm thế nào để có kinh phí hỗ trợ cho hoạt động luân phiên từ BV tỉnh đến BV huyện - xã. Hiện nay, nhiều địa phương đang gặp khó khăn do thiếu nguồn kinh phí để triển khai hoạt động luân phiên theo Đề án 1816. Ngoài ra, đối với một số lĩnh vực, một số bệnh viện (BV) thì sẽ có một số cán bộ phải đi luân phiên rất nhiều lần, trong khi có người không phải đi lần nào. Đây quả thực cũng là một bài toán khó. Bộ Y tế đã giao cho ban giám đốc các BV phải có chính sách động viên, khuyến khích những cán bộ có năng lực, tần suất thực hiện công tác luân phiên cao… Tuy nhiên, cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền, để nhân viên y tế hiểu rõ, thực hiện Đề án 1816 là trách nhiệm của mỗi cán bộ ngành y tế.
Để đảm bảo tính bền vững của Đề án 1816, Bộ Y tế sẽ triển khai những hoạt động gì trong thời gian tới, thưa ông?
Bộ Y tế sẽ tập trung hoàn thiện, xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có quy định nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ y tế đối với xã hội. Xây dựng và thực hiện các chế độ chính sách liên quan đến Đề án 1816, đến đơn vị cử và nhận cán bộ luân phiên và cán bộ được cử đi luân phiên.
Đặc biệt, chúng tôi sẽ tăng cường công tác điều phối, giám sát; yêu cầu các bệnh viện tổ chức tốt việc khảo sát, xác định nhu cầu tuyến dưới; xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực cho tuyến dưới, đáp ứng việc chuyển giao kỹ thuật. Tiếp tục kiện toàn và thành lập các trung tâm/phòng đào tạo và chỉ đạo tuyến tại các BV trực thuộc Bộ Y tế...
Xin cảm ơn ông!
Phương Liên (thực hiện)