Bất chấp Trung Quốc có những hành động ngang ngược xâm phạm chủ quyền và thường xuyên cản trở hoạt động đánh bắt cá trên vùng biển của Việt Nam nhưng ngư dân miền Trung trong đó có ngư dân Quảng Nam vẫn không chùn bước. Hàng trăm chiếc tàu đánh cá có công suất lớn chuyên đi biển dài ngày vẫn thẳng tiến ra các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa mỗi ngày. Dường như không gì có thể cản trở quyết tâm bám biển, giữ gìn ngư trường từ hàng trăm năm qua của ngư dân.
Là một trong những cảng cá tương đối lớn ở miền Trung, có cơ sở hậu cần nghề cá được xây dựng cơ bản hoàn thiện, cảng cá Kỳ Hà, huyện Núi Thành, Quảng Nam lúc nào cũng tấp nập tàu thuyền. Kể cả những tàu thuyền đánh bắt xa bờ có công suất đến hơn 1000 CV cũng được tăng cường để tiêu thụ sản phẩm, tiếp tế vật tư, nhiên liệu, lương thực thực phẩm cho những chuyến ra khơi. Ông Trương Văn Âu, thuyền trưởng tàu cá QNa 91907 TS có “thâm niên” hơn 40 năm bám biển để hành nghề ở ngư trường của các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa tâm sự: Ngày nay, ngư dân miền Trung nói chung và ngư dân Quảng Nam nói riêng không còn đơn độc khi ra khơi như trước đây. Các nghiệp đoàn nghề cá được thành lập và đi vào hoạt động đã thật sự trở thành chiếc cầu nối giữa đất liền với biển khơi để tiếp thêm sức mạnh cho ngư dân khi vươn khơi xa bám biển dài ngày. Nhờ đó, ngư dân vừa khai thác nguồn lợi thủy sản hiệu quả hơn, vừa đối phó kịp thời hơn với thiên tai cũng như các tình huống bất trắc trên biển.
Thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Vân, thuyền trưởng tàu cá QNa 91977 TS điều khiển phương tiện ra khơi. |
Thành viên nghiệp đoàn nghề cá hầu hết là những lao động của tàu cá có công suất lớn, chuyên hành nghề dài ngày ở ngư trường nên rất thuận lợi để thường xuyên hỗ trợ cho nhau mỗi khi máy móc bị hư hỏng, thông báo cho nhau về tình hình ngư trường để cùng khai thác, hoặc khi gặp tàu nước ngoài uy hiếp thì cũng đủ sức hỗ trợ cho nhau.
Ngư trường xung quanh quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là nơi tập trung đông đảo nhất ngư dân các tỉnh miền Trung tề tựu lại để cùng làm ăn. Theo các ngư dân, mỗi khi biển nổi bão giông hay phương tiện gặp sự cố, ngư dân lúc nào cũng nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện về nơi ăn chốn ở, neo đậu tàu tuyền an toàn hoặc sửa chữa phương tiện của bộ đội đóng quân trên đảo. Những khi đẹp trời, hoặc bắt được hải sản ngon, ngư dân còn lên đảo để tặng cho anh em bộ đội cải thiện bữa ăn, tình cảm quân dân tha thiết lắm. Khi được hỏi về việc Trung Quốc càn quấy trên vùng biển nước ta, ông Trương Văn Âu bức xúc: Chúng tôi làm ăn trên ngư trường của tổ tiên để lại chứ có phải ngư trường của nước ngoài đâu mà liên tiếp bị Trung Quốc đe dọa và gây khó khăn như vậy? Cho dù Trung Quốc có gây khó khăn chừng nào đi nữa thì ngư dân chúng tôi vẫn ra khơi, đánh bắt hải sản bình thường, bởi vì đó là ngư trường của Việt Nam.
Thuyền trưởng Huỳnh Minh Cảnh phản ánh bức xúc về việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 với phóng viên TTXVN. |
Xác định rõ các vùng biển bao quanh các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường truyền thống từ hàng trăm năm qua, nên mặc dù phía Trung Quốc đang gây khó khăn nhưng ngư dân miền Trung vẫn miệt mài bám biển. Anh Nguyễn Văn Nghị, Thuyền trưởng tàu cá QNa 91989 TS cho biết, mới đây chiếc tàu có công suất 800 CV cùng 12 lao động trên tàu sau chuyến hành nghề dài ngày trên biển, trên đường trở về đất liền, khi đi qua vùng biển của Việt Nam nơi bị Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 thì bị Trung Quốc hung hăng truy đuổi và dùng vòi xịt nước đe dọa và làm hỏng tàu. Anh Nghị cho biết, Trung Quốc làm như vậy là để đe dọa nhưng ngư dân chúng tôi vẫn quyết ra khơi mỗi ngày. Hiện tại, tàu cá mang số hiệu QNa 91989 TS của tôi cùng với hàng chục chiếc tàu khác của ngư dân trong vùng đã chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, nhiên liệu, lương thực, thực phẩm để sẵn sàng ra khơi chuyến tiếp theo.
Phân loại cá tại cảng cá Kỳ Hà. |
Là một trong những ngư dân đầu tiên ở Quảng Nam mạnh dạn đầu tư hơn 5 tỷ đồng để đóng mới tàu cá lắp 2 chân vịt có tổng công suất lên đến 1.100 CV, cộng với các trang thiết bị đi biển hiện đại, đảm bảo hành nghề trên biển đến 3 tháng liền, anh Huỳnh Văn Chánh, ở thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành bức xúc: Nhiều năm trở lại đây, ngư dân chúng tôi ra khơi làm ăn trên vùng ngư trường truyền thống của mình thì thường xuyên bị “tàu lạ” xua đuổi lấn hiếp.
Bây giờ, khi Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương 981 một cách trái phép, xâm lấn vùng biển Việt Nam và đưa theo cả trăm tàu thuyền, trong đó có nhiều tàu được vũ trang thì ngư dân chúng tôi biết rõ “tàu lạ” này chính là tàu của Trung Quốc. Những chiếc tàu này đã từng xua đuổi, tịch thu trái phép ngư lưới cụ và hải sản của chúng tôi, dùng vòi nước có áp suất lớn bắn xối xả vào tàu thuyền, làm hư hỏng tàu thuyền của chúng tôi. Nhiều lúc những chiếc tàu to lớn này cố tình chạy gần tàu chúng tôi để tạo ra những cơn sóng nhân tạo nhằm nhấn chìm tàu thuyền đánh cá của chúng tôi có kích thước nhỏ hơn nhiều lần.
Đây là những hành động hết sức vô lương tâm của tàu thuyền Trung Quốc gây ra cho ngư dân, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của chúng tôi. Khó khăn là như vậy nhưng ngư trường ở các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường truyền thống, là không gian sinh tồn của chúng tôi từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Vươn ra khơi xa bám biển dài ngày không chỉ để mưu sinh mà còn góp phần giữ gìn và bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Ngư dân miền Trung ra khơi không chỉ bằng tàu cá có công suất lớn, phương tiện đi biển hiện đại mà còn ra khơi bằng cả trái tim của mình.
Bài và ảnh: Đoàn Hữu Trung