Đà Nẵng là một trong những địa phương của nước ta có ngư trường rộng lớn, hạ tầng phục vụ thủy sản đồng bộ và khá hiện đại, nhất là những ngư dân dày dạn sóng gió nhờ có kinh nghiệm đi biển từ cha ông đúc rút từ nhiều đời, cộng với cơ chế đặc thù hỗ trợ ngư dân hiệu quả, nên việc phát triển đánh bắt thủy sản ở đây đã và đang có bước đi vững chắc, tạo cả thế và lực để ngư dân vững vàng vươn ra khơi xa, góp phần khẳng định chủ quyền trên biển của Tổ quốc.
Tàu thuyền của ngư dân thành phố Đà Nẵng về nơi tránh trú bão an toàn tại âu thuyền Thọ Quang. Trần Lê Lâm – TTXVN |
Ông Hồ Phó, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng cho biết: Nghề đi biển của ngư dân thành phố thực sự “hồi sinh” kể từ khi địa phương thực hiện Quyết định 48/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên những vùng biển xa. Trên cơ sở đó, UBND thành phố đã vận dụng linh hoạt, ban hành cơ chế đặc thù phù hợp với đặc điểm của địa phương, không những giúp ngư dân ở đây thoát nghèo, mà còn góp phần bảo vệ an ninh và chủ quyền trên biển.
Nhờ thực hiện hiệu quả chính sách theo Quyết định 48 của Chính phủ và chính sách hỗ trợ đóng mới của thành phố, hiện cơ cấu tàu thuyền của Đà Nẵng đã chuyển dịch theo hướng vươn ra khơi xa, góp phần đắc lực bảo vệ nguồn lợi hải sản và đa dạng sinh học vùng bờ. Đà Nẵng hiện có 1.374 tàu thuyền với tổng công suất đạt 91.401CV. Đặc biệt, nhóm tàu có công suất 400CV trở lên tăng 43 chiếc.
Đến nay, số chuyến đi biển và thời gian khai thác của các đội tàu cá của Đà Nẵng đều đảm bảo. Tiêu biểu là các đội tàu đánh bắt xa bờ hành nghề lưới cản, lưới vây, chụp mực đều đạt sản lượng khá cao. Tổng sản lượng đánh bắt trong 6 tháng lên tới 22.400 tấn, bằng 64,93% so với kế hoạch cả năm.
Bên cạnh đó, các dịch vụ cảng cá và chợ đầu mới thủy sản Thọ Quang luôn được cung cấp kịp thời, an ninh trật tự đảm bảo, vệ sinh môi trường từng bước được cải thiện nên thu hút ngày càng đông đảo các tàu cá của những tỉnh bạn đổ về đây mua bán.
Mô hình chính quyền và người dân cùng “chung tay” xây dựng và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá ở Đà Nẵng tuy chưa nhiều song cũng đã góp phần đắc lực giảm 30% chi phí mỗi chuyến ra khơi cho các tàu đánh bắt xa bờ, giúp ngư dân bám trụ thêm nhiều ngày trên biển so với trước. Điển hình là tổ dịch vụ tàu hậu cần của gia đình ông Lê Mến ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà.
Năm 2012, gia đình ông Lê Mến hạ thủy con tàu dịch vụ hậu cần đầu tiên có tổng công suất 1.600CV, hiện nay đã phát triển thành 4 chiếc hoạt động theo chuỗi liên kết cung ứng dầu, nước đá, nước ngọt, lương thực, thực phẩm cho các tàu cá, đồng thời thu mua và vận chuyển hải sản vào bờ. Nhờ các tàu dịch vụ hậu cần có thể chịu sóng gió cấp 7 - cấp 8, lại được trang bị máy Icom nên vào mùa đánh bắt cao điểm, tổ dịch vụ này bình quân cứ 2-3 ngày lại có một tàu ra khơi.
Nói về nghề đi biển hiện nay, ngư dân Đào Văn Chinh tàu ĐN 90269 thuộc phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà cho biết: “Trước tàu nhỏ đi hơi sợ. Giờ tàu to, máy lớn đi khỏe re. Mỗi chuyến “trúng mánh” cũng kiếm bội tiền đấy!”. Anh cho biết, thành phố còn hỗ trợ bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho toàn bộ số người làm việc trên các tàu cá có công suất từ 50CV trở nên. Nếu xảy ra sự cố ngoài tổ đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau trên biển, còn được Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản, Đài Thông tin Duyên hải thành phố nhanh chóng nắm bắt thông tin và tổ chức cứu hộ cứu nạn kịp thời, nên đa số ngư dân đều an tâm gắn bó với nghề đánh bắt xa bờ.
Nhằm giúp ngư dân tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả đánh bắt hải sản, mới đây Sở Khoa học và Công nghệ thành phố đã lắp đặt thử nghiệm hệ thống pin năng lượng mặt trời (LED) cho một số tàu cá và đã đạt kết quả khả quan. Hiệu quả mà hệ thống pin năng lượng mặt trời mang lại đáp ứng đủ cho mọi nhu cầu của tàu, như sử dụng máy tầm ngư, bộ đàm, Icom, bơm nước mà không phải vận hành động cơ tàu như trước. Đây cũng chính là một trong những nỗ lực của thành phố Đà Nẵng thực hiện phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam một cách sống động và thuyết phục.
Văn Hào