Nỗ lực trong công tác giải cứu rùa
Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Cúc Phương được thành lập năm 1998 với nhiệm vụ cứu hộ, bảo tồn và phát triển động vật; cứu hộ, bảo tồn và phát triển thực vật. Với nhiệm vụ trên, nhiều năm qua, Trung tâm đã thực hiện tốt công tác sưu tầm, cứu hộ và chăm sóc các loài động, thực vật rừng hoang dã của Việt Nam, phục vụ bảo tồn và phát triển; tổ chức nghiên cứu khoa học về bảo tồn, phát triển các loài động, thực vật rừng và đa dạng sinh học.
Hiện Trung tâm đang thực hiện các chương trình chủ yếu như cứu hộ, bảo tồn rùa, các loài thú ăn thịt và tê tê, các loài linh trưởng và chương trình cứu hộ bảo tồn các loài động vật khác. Hoạt động hiệu quả của Trung tâm đã giúp số lượng lớn cá thể động vật hoang dã được cứu hộ và tái thả lại môi trường tự nhiên như: Gần 2.000 cá thể rùa, 62 cá thể tê tê, 1.445 cá thể thú ăn thịt nhỏ... Trong đó, Chương trình cứu hộ, bảo tồn rùa được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Trung tâm.
Trong khuôn viên của Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Cúc Phương, trụ sở làm việc của Chương trình cứu hộ, bảo tồn rùa nằm nép giữa những tán cây rừng nguyên sinh che phủ. Đây là chương trình hợp tác quốc tế giữa Vườn Quốc gia Cúc Phương với Tổ chức Indo-Myanmar Conservation (thuộc Chương trình Bảo tồn rùa châu Á). Hiện chương trình đang cứu hộ, nhân nuôi sinh sản và chăm sóc 34 loài với số lượng 1.990 cá thể, trong đó nhiều nhất là rùa Trung bộ 598 cá thể, rùa đất Pulkin 148 cá thể... đều là những loại rùa quý hiếm, đặc biệt là loại rùa Trung bộ duy nhất chỉ có tại khu vực miền Trung nước ta.
Ông Trịnh Văn Nguyên, nhân viên Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Cúc Phương cho biết, Chương trình cứu hộ, bảo tồn rùa Cúc Phương đã đóng góp rất nhiều thành quả trong công tác bảo vệ động vật hoang dã và làm giàu môi trường tự nhiên, hệ sinh thái. Tình trạng săn bắt và mua bán rùa hiện đang báo động nên Trung tâm nỗ lực hết mình trong công tác cứu hộ và bảo tồn rùa, đặc biệt là những loài rùa quý hiếm.
Đang chú tâm chăm sóc cho các cá thể rùa, đôi tay nhanh thoăn thoắt lau rửa các vết thương của các cá thể mới được cứu hộ, anh Hồ Quốc Thiên - nhân viên chăm sóc động vật tại Trung tâm tranh thủ trao đổi với chúng tôi. Anh Thiên đã có gần 20 năm làm việc tại Vườn Quốc gia Cúc Phương và nhiều năm gắn bó với Chương trình cứu hộ, bảo tồn rùa. Anh Thiên chia sẻ, việc phát hiện và giải cứu mỗi cá thể rùa có hoàn cảnh khác nhau, thường là trong các vụ vận chuyển, buôn bán trái phép. Do đó, có cá thể còn khỏe mạnh nhưng cũng không hiếm gặp các cá thể ốm yếu, bị thương. Khi được cứu hộ về Trung tâm, các cá thể rùa được chăm sóc, chữa lành các vết thương và bồi dưỡng sức khỏe. Về ấn tượng trong những lần đi cứu hộ rùa, anh Thiên nhớ lại, năm 2020 anh trực tiếp đi cứu hộ ở Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc). Trong chuyến đi ấy, đoàn đã cứu hộ được rất nhiều cá thể rùa, trong khi xe đã rất chật. Vì vậy, các thành viên đoàn công tác phải ngồi ở tư thế rất gò bó, tuy mệt mỏi nhưng tất cả đều thấy rất vui vì đó là một chuyến đi thành công. Qua 2 ngày đi đường, các cá thể rùa đã được đưa về Trung tâm cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật Cúc Phương an toàn, đó chính là phần thưởng xứng đáng đối với đoàn công tác.
Hướng tới thay đổi hành vi
Tại Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Cúc Phương, các cá thể rùa được đưa về cứu hộ sẽ được cách ly, thăm khám sức khỏe, điều trị bệnh và được đưa ra môi trường bán tự nhiên. Trong môi trường bán tự nhiên, các cá thể rùa dần tìm lại được đặc tính loài, có thể tự tìm mồi, kiếm ăn. Sau khi quen với cuộc sống bán tự nhiên, các cá thể rùa sẽ được trả về với môi trường tự nhiên vốn có.
Ông Lê Phương Triều, Giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật rừng quốc gia Cúc Phương cho biết: Trải qua hơn 20 năm, với sự nỗ lực rất lớn của các cán bộ, sự đồng hành hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế, đến nay Trung tâm đã cứu hộ và tiếp nhận hơn 2.000 cá thể của 34 loài rùa, trong đó có gần 20 loài rất nguy cấp như rùa đầu to, rùa Trung bộ... Quá trình chăm sóc, các loài rùa đã sinh sản được hơn 600 cá thể. Trung tâm đã tái thả về môi trường tự nhiên hơn 400 cá thể. Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo tồn, cứu hộ rùa; đầu tư cơ sở vật chất để tiếp nhận rùa từ các lực lượng chức năng thu giữ trong quá trình điều tra, phá các vụ án buôn bán, vận chuyển trái phép; tiếp tục nhân nuôi sinh sản một số loài rùa nguy cấp mà hiện tại số lượng còn ít trong tự nhiên, nhằm nâng cao số lượng quần thể của loài đó.
Đối với công tác cứu hộ, bảo tồn, Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Cúc Phương sẽ chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, khu bảo tồn khác trên cả nước về công tác chuyên môn, để cán bộ các đơn vị có kỹ năng nhất định. Đồng thời, Trung tâm tiếp tục đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hải quan, Kiểm lâm để nhận biết được các loài rùa cũng như sơ cứu, chăm sóc ban đầu trong thời gian chờ bàn giao cho các Trung tâm cứu hộ; tăng cường hợp tác quốc tế và phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về lĩnh vực nghiên cứu, bảo tồn các loài động, thực vật nguy cấp quý hiếm có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng. Đặc biệt, thời gian tới Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Cúc Phương sẽ mở rộng và đa dạng các mô hình tham quan đến lứa tuổi học sinh để nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi tích cực đối với công tác bảo vệ động vật hoang dã.