Đây là dịp để nguyên lãnh đạo Công đoàn Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh qua các thời kỳ cùng các chuyên gia, cán bộ Công đoàn các cấp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nhằm tìm giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn, xây dựng và phát triển tổ chức Công đoàn phù hợp trước xu thế phát triển mới của đất nước.
Theo ông Trần Trung Mậu, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động Quận 10, mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi giai đoạn xây dựng và phát triển tổ chức Công đoàn luôn có những yêu cầu cụ thể khác nhau. Trong hoàn cảnh nào, việc xây dựng Công đoàn vững mạnh vẫn luôn là nhiệm vụ cốt lõi, là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người cán bộ Công đoàn, nhất là trong thời kỳ mới.
Để xây dựng Công đoàn vững mạnh, ông Mậu cho rằng, trước hết cần có đội ngũ cán bộ Công đoàn am hiểu những chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước; am hiểu về tổ chức, kinh tế của ngành nghề; có ý thức, nhiệt tình trong hoạt động Công đoàn và có trách nhiệm đối với công nhân lao động. Bởi, họ rất cần sự tác động của tổ chức Công đoàn về bảo vệ quyền lợi chính đáng hợp pháp; chăm lo đời sống của người lao động (bao gồm các chế độ chính sách, nghỉ giữa ca, tham quan nghỉ dưỡng...). Đội ngũ cán bộ cơ sở vững mạnh mới có thể xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh.
Liên hệ từ thực tiễn, chị Nguyễn Thị Thùy Trang, Cán bộ Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tổ Hợp Nhất Việt nhìn nhận, hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định trong xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh. Trong đó có một phần ý thức trách nhiệm của người cán bộ Công đoàn phải chịu áp lực từ người sử dụng lao động và người lao động. Một số người sử dụng lao động “chưa tạo điều kiện tốt nhất” cho cán bộ Công đoàn. Hoạt động Công đoàn ở một số nơi còn mang nặng tính hành chính; người lao động chưa hiểu đầy đủ về vai trò chức năng của tổ chức Công đoàn...
Để giải quyết vấn đề này, tiến tới xây dựng Công đoàn vững mạnh, chị Nguyễn Thị Thùy Trang cho rằng, cần phải trung hòa được những yêu cầu, quyền lợi, lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động. Người cán bộ Công đoàn cần có kinh nghiệm, kỹ năng để vừa hoàn thành khối lượng công việc chuyên môn, vừa hoàn thành nhiệm vụ tổ chức Công đoàn, phong trào công nhân lao động tại đơn vị, xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Cùng quan điểm, ông Huỳnh Văn Tuấn, Trưởng Ban Tuyên giáo Liên đoàn lao động Thành phố cũng đưa ra các giải pháp như: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động Công đoàn; xây dựng nguồn tài chính cho Công đoàn; đổi mới nâng cao công tác vận động phát triển đoàn viên; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Công đoàn để đáp ứng tình hình mới; tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn tâm huyết, am hiểu công việc, từ đó luôn có ý thức xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Cũng tại tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động Công đoàn; công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm đội ngũ cán bộ Công đoàn. Các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận và lan tỏa những giá trị cao đẹp của các cán bộ Công đoàn; truyền lửa, tiếp thêm động lực cho các thế hệ cán bộ Công đoàn tiếp nối truyền thống, nâng cao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng lớn mạnh...