Theo bác sỹ Ngô Đức Hiệp, rạng sáng 23/12, Khoa Phỏng – Phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện Chợ Rẫy) tiếp nhận bốn bệnh nhân từ tỉnh Bình Dương chuyển lên trong tình trạng bỏng nặng toàn thân, trong đó có ba trường hợp đang nguy kịch. Bốn bệnh nhân cùng trong một gia đình gồm anh Nguyễn Văn T. (sinh năm 1981), chị Đỗ Thị Kim Th. (sinh năm 1981) cùng hai con trai là Nguyễn Hoàng Kh. (sinh năm 2001) và Nguyễn Hoàng K. (sinh năm 2003).
Theo lời kể của người nhà, khoảng 18 giờ ngày 22/12, con trai cả Nguyễn Hoàng Kh. (sinh năm 2001) vừa chiết xăng từ can xăng 10 lít vào xe máy, vừa ngậm điếu thuốc lá thì bất ngờ một ngọn lửa lớn bùng lên bao trùm cả gian bếp. Do lúc này vợ chồng anh Nguyễn Văn T. và chị Đỗ Thị Kim Th. đều đang ở trong nhà nên cũng bị bỏng nặng. Thấy bố mẹ và anh trai đang ở trong biển lửa, Nguyễn Hoàng K. (sinh năm 2003) liều mình xông vào cứu và bị bỏng nặng hai chân. “Lúc thấy cả nhà bị ngọn lửa lớn trùm lên, em không nghĩ gì cả mà xông vào cứu và cũng bị bỏng. Rất may bình gas ở góc bếp không bị nổ, nếu không hậu quả sẽ nặng nề hơn”, Nguyễn Hoàng K. nhớ lại.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sỹ nhận định, ba bệnh nhân là Nguyễn Văn T., Đỗ Thị Kim Th. và Nguyễn Hoàng Kh. bị bỏng nặng toàn thân, từ 97%-100%, độ 2, độ 3. Cả ba bệnh nhân đều bị bỏng hô hấp, sốc bỏng nghiêm trọng, đang trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng tương đối xấu. Riêng bệnh nhân Nguyễn Hoàng K. chỉ bị bỏng hai chân, tình hình đã ổn định.
Bác sỹ Ngô Đức Hiệp chia sẻ, tại nhiều vùng nông thôn, do điều kiện đi lại khó khăn nên người dân thường mua xăng về dự trữ. Điều này vô cùng nguy hiểm bởi nguy cơ cháy nổ trong quá trình vận chuyển và dự trữ rất cao. Khoa Phỏng – Tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Chợ Rẫy) từng tiếp nhận nhiều trường hợp bị bỏng lửa xăng do thói quen của người dân dự trữ xăng trong nhà. Do đó, bác sỹ Ngô Đức Hiệp khuyến cáo người dân tốt nhất không nên dự trữ xăng trong nhà. Trong trường hợp bất khả kháng thì cần để xăng ở những nơi an toàn, không để trong nhà, đặc biệt không để gần bếp lửa nhằm tránh tai nạn đáng tiếc.