Đã hơn 2 tháng trôi qua sau sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 (Đức Cơ, Gia Lai) gây thiệt hại nặng cho người dân và doanh nghiệp vùng hạ lưu, đến nay Cổ phần Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long – Gia Lai (chủ đầu tư công trình thủy điện Ia Krêl 2) vẫn chưa thống nhất được phương án bồi thường và cũng chưa có động thái tích cực để khắc phục thiệt hại cho người dân. Chính sự chậm trễ này khiến hơn một trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng hạ lưu hồ thủy điện này hàng ngày phải đối mặt với nạn đói.Theo ông Hà Xuân Minh, Phó Văn phòng UBND huyện Đức Cơ cho biết: Chủ đầu tư xin kéo dài thời gian bồi thường thiệt hại vì công ty đang gặp khó khăn về tài chính.
Thân đập thuỷ điện Ia Krêl bị vỡ một đoạn dài hơn 40m. Ảnh: TTXVN |
Thủy điện Ia Krel 2 do Cty CP Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long – Gia Lai đầu tư xây dựng từ năm 2010 với công suất 5MW. Do thi công sai thiết kế cống dẫn dòng, rạng sáng ngày 12/6, đập thủy điện này bị vỡ toang, làm cho hơn 5 triệu m3 nước và hàng nghìn m3 đất đã ùn ùn đổ về như lũ quét gây thiệt hại nghiêm trọng cây trồng, hoa màu và nhấn chìm nhiều ngôi chòi canh rẫy của người dân dọc vùng hạ lưu.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, các cơ quan chức năng của huyện Đức Cơ cũng đã tích cực phối hợp cùng chủ đầu tư thống kê mức độ thiệt hại. Theo thống kê, tổng giá trị thiệt hại vào khoảng 3,6 tỷ đồng (không tính thiệt hại công trình thủy điện). Mức độ thiệt hại khá lớn và chính quyền địa phương cũng đã có nhiều buổi làm việc cùng chủ đầu tư để thống nhất giá trị đền bù. Tuy nhiên, đến nay mức thiệt hại trên vẫn chưa đạt được thỏa thuận.
Ông Hồ Đình Kỳ, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Dom cho biết: Sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 gây thiệt hại 136 ha cây trồng các loại của 143 hộ dân của xã, trong đó hơn 100 ha sắn thiệt hại nặng.Vì chủ đầu tư chậm bồi thường nên 2 tháng qua đã có 21 hộ dân thuộc diện hộ nghèo lâm vào cảnh thiếu đói. Để kịp thời giúp dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, chính quyền địa phương đã xuất ngân sách hỗ trợ 10kg gạo/nhân khẩu cho 21 gia đình bị thiệt hại. Nếu không giải quyết dứt điểm tình trạng này, các hộ dân còn lại sẽ đối mặt với nạn đói là hiện hữu.
Trước những thiệt hại và khó khăn mà người dân vùng hạ lưu thủy điện Ia Krêl 2 đã và đang gánh chịu, thiết nghĩ các ngành chức năng của tỉnh Gia Lai cần phải có biện pháp cứng rắn và hữu hiệu hơn nữa trong việc thống nhất phương án đền bù để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Nguyễn Hoài Nam