Theo ông Huỳnh Tấn Tuấn, từ khi bùng phát đại dịch COVID-19, đội ngũ y tế phải hỗ trợ công tác phòng, chống dịch nên bị đe dọa ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng khiến phụ huynh, học sinh không mặn mà học ngành y. Lương nhân viên y tế nhìn chung thấp hơn so với các ngành học khác khi ra trường. Học sinh cũng như phụ huynh đều ưu tiên vào học ở các trường đại học Y nên số sinh viên của trường có xu hướng giảm. Trong khi, tỉnh bố trí ngân sách theo chỉ tiêu sinh viên nên dẫn đến tình trạng chậm trả lương như hiện nay.
"Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam có 9 khoa, phòng và một Bệnh viện đa khoa. Những năm trước khi COVID-19 bùng phát, số sinh viên của Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam có năm lên đến trên 3.000 em nhưng hiện nay trường chỉ có gần 500 sinh viên đang theo học", ông Huỳnh Tấn Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Huỳnh Tấn Tuấn, bình quân trường phải có từ 800 - 1.000 sinh viên theo học thì nguồn ngân sách của tỉnh bố trí mới đủ trả lương cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên của trường.
Để giải quyết tình trạng chậm lương như hiện nay, Trường đề xuất Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh cho khoanh nợ ngân sách. Kho bạc Nhà nước Quảng Nam tạm hoãn thu hồi tạm ứng của trường cho Bệnh viện đa khoa Trường Cao đẳng Quảng Nam. Tỉnh Quảng Nam cần bố trí hỗ trợ ngân sách trả lương cho cán bộ, giảng viên và nhân viên của trường. Trường cũng tăng cường công tác tuyển sinh, đào tạo ngắn hạn, tinh giản biên chế…
Để đảm bảo sinh viên không bị gián đoạn chương trình học, ngày 15/12, lãnh đạo Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam có buổi làm việc với độ ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên Khoa Điều dưỡng, đề ra hướng giải quyết. Nhà trường kiến nghị với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam trong tháng 12/2023 sẽ hỗ trợ thanh toán một phần lương của 6 tháng còn nợ chưa trả cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và nhân viên của Khoa.
Được biết, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam còn chậm đóng bảo hiểm nhiều tháng qua.