Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, lái xe buýt thuộc Công ty cổ phần Công nghiệp Quảng An 1, trung bình ông được nhận mức lương 8 triệu/tháng, nhưng đang bị nợ lương trong thời gian dài.
Ông Tuấn cho biết hàng trăm lái xe, phụ xe, nhân viên của công ty đã bị nợ lương từ tháng 3/2023 đến nay, gây khó khăn trong đời sống của người lao động. Việc nợ lương của công ty đã diễn ra thường xuyên từ năm 2019 đến nay nhưng những lần trước công ty đã giải quyết sớm. Riêng lần này công ty nợ lương nhiều tháng và thất hứa trả lương nên người lao động đã nghỉ việc tập thể để đòi quyền lợi. Bên cạnh đó, người lao động đã gửi đơn thư đến các cơ quan quản lý tại thành phố Đà Nẵng để phản ánh sự việc.
Việc các tuyến xe buýt tê liệt đã khiến cho người dân có thói quen đi xe buýt, đã mua vé tháng gặp khó khăn. Em Cù Trịnh Nhật Nam (15 tuổi, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) cho hay đã sử dụng xe buýt để đi học 2 năm nay và thường xuyên mua vé tháng. Nhưng việc các tuyến xe buýt dừng hoạt động đã ảnh hưởng rất lớn đến việc di chuyển và sinh hoạt cá nhân, em mong muốn chính quyền thành phố sớm có giải pháp để các tuyến xe buýt hoạt động lại bình thường.
Từ năm 2017 đến tháng 5/2022, Đà Nẵng chi hơn 138 tỷ đồng cho hệ thống xe buýt trợ giá của Công ty Quảng An 1 nhưng công ty vận hành các tuyến buýt này vẫn nợ lương, bảo hiểm xã hội của lái xe, nhân viên. Theo Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng, tính đến 31/5/2023, Công ty Quảng An 1 đã nợ gần 8,4 tỷ đồng (chưa bao gồm tiền lãi) kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động.
Ngày 12/7 vừa qua, hàng trăm người lao động Công ty cổ phần Công nghiệp Quảng An 1 đã tập trung tại bến xe buýt Xuân Diệu (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) để đòi quyền lợi. Trong số đó, ngoài các lái xe, phụ xe bị nợ lương từ tháng 3/2023 đến nay còn hàng chục người lao động đã nghỉ việc nhưng Công ty Quảng An 1 không làm thủ tục chốt số Bảo hiểm xã hội cho họ khi chấm dứt hợp đồng lao động. Ngoài ra, khi nhân viên nghỉ việc, Công ty Quảng An 1 cũng không trả tiền cọc vào làm việc cho 29 người với tổng số 366 triệu đồng (trước đó, khi vào làm việc, công ty bắt lái xe phải cọc 15 triệu đồng, phụ xe phải cọc 3 triệu đồng).
Khi các lái xe, phụ xe đình công, ông Bùi Hồng Trung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng đã tới hiện trường để ghi nhận phản ánh của người lao động và cho biết tuần tới, Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng sẽ làm việc với Công ty Quảng An 1 để giải quyết các phản ánh của người lao động.
Về vấn đề đảm bảo cho người dân có nhu cầu đi xe buýt, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng Bùi Hồng Trung cho biết: Vừa qua, thành phố Đà Nẵng đã đấu thầu 5 tuyến xe buýt trợ giá mới và công ty khác đã trúng thầu, hiện Công ty Quảng An 1 hiện chỉ còn vận hành 6 tuyến xe buýt.
Trong tuần tới, Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng sẽ làm việc với Công ty Quảng An 1 để giải quyết các vấn đề còn tồn tại và trả lời kiến nghị của người lao động. Sau khi làm việc với công ty, Sở cũng sẽ có phương án khôi phục hoạt động của hệ thống xe buýt trên địa bàn thành phố để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.