Theo kế hoạch, năm 2021, Vĩnh Phúc triển khai các hoạt động để thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính, gồm: Trợ giúp pháp lý theo vụ việc, được tiến hành bằng các hoạt động trợ giúp pháp lý tại xã, phường, thị trấn nơi có người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn về tài chính có nhu cầu trợ giúp pháp lý, tại Hội Người khuyết tật các cấp, các cơ sở bảo trợ xã hội, trường học, cơ sở kinh doanh và các tổ chức khác của người khuyết tật khi có nhu cầu trợ giúp pháp lý và phù hợp với điều kiện của địa phương.
Vĩnh Phúc tổ chức truyền thông về trợ giúp pháp lý nhằm đẩy mạnh các hình thức truyền thông phù hợp; cung cấp bảng thông tin, tờ thông tin về trợ giúp pháp lý, hộp tin trợ giúp pháp lý, tờ gấp pháp luật. Thực hiện trợ giúp pháp lý với cung cấp danh sách, số điện thoại của trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng với trung tâm trợ giúp pháp lý cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ sở giam giữ và trại giam, Hội Người khuyết tật, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi, các cơ sở bảo trợ xã hội, trường học; đồng thời thực hiện trợ giúp pháp lý với hình thức phù hợp tại nơi cư trú, sinh sống, làm việc của người khuyết tật có khó khăn về tài chính.
Tỉnh Vĩnh Phúc cũng tập trung nâng cao năng lực cho người thực hiện trợ giúp pháp lý bằng các hoạt động tập huấn cho người thực hiện trợ giúp pháp lý về kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính, đặc biệt là kỹ năng tham gia tố tụng.
Để giúp đỡ người khuyết tật, người nghèo khó, hằng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Vĩnh Phúc và các tổ chức thành viên như Hội Nông dân tỉnh, Hội phụ nữ tỉnh, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh... triển khai nhiều phong trào thi đua giảm nghèo, giúp cho người khuyết tật vượt khó. Qua đó, có những năm huy động được cả chục tỷ đồng để giúp đỡ các đối tượng.
Vĩnh Phúc hiện có gần 41.700 người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội thường xuyên tại cộng đồng, trong đó có gần 200 trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi; gần 21.500 người từ 80 tuổi trở lên; gần 15.220 người khuyết tật; hơn 2.300 người là đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo; hơn 1.530 đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ cận nghèo. Vĩnh phúc thường xuyên chỉ đạo các ngành chức năng, phối hợp với các địa phương chủ động rà soát, nắm chắc danh sách đối tượng cần tư vấn, trợ giúp các địa phương trong việc tư vấn, trợ giúp; chủ động huy động các nguồn lực hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về mọi mặt…