Vinaconex và nhà thầu phải chịu trách nhiệm chất lượng đường ống nước Sông Đà

Kể từ tháng 12/2012 đến nay, tuyến ống dẫn nước Sông Đà do Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm chủ đầu tư đã 9 lần xảy ra sự cố vỡ đường ống gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của 70.000 hộ dân Thủ đô Hà Nội. Gần đây nhất là chỉ trong 3 ngày mà tuyến ống này đã vỡ tới 2 lần (ngày 10 và 12/7), chỉ vài ngày sau khi Bộ Xây dựng làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của sự cố.

Ngày 14/7, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng xung quanh vấn đề này.


Ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng). Ảnh: tainguyenmoitruong.com.vn


* Sự cố xảy ra liên tục và ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của hàng chục nghìn hộ dân Thủ đô. Bộ Xây dựng đã vào cuộc ra sao thưa ông?

Ngay sau khi xảy ra sự cố, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp kiểm tra và làm việc với Tổng công ty Vinaconex, Sở Xây dựng Hà Nội và các bên có liên quan. Bộ trưởng đã chỉ đạo tổ chức giám định nguyên nhân sự cố; chỉ đạo đưa ra các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để khắc phục sự cố, đảm bảo cung cấp nước cho người dân TP Hà Nội. Đồng thời đề nghị UBND TP Hà Nội tạo điều kiện và hỗ trợ trong việc triển khai xây dựng tuyến ống số 2.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, Cục Giám định đã yêu cầu Viện Khoa học công nghệ xây dựng phối hợp với Viện Vật liệu xây dựng xuống hiện trường lấy mẫu giám định, thí nghiệm và đưa ra kết luận về nguyên nhân gây ra sự cố vỡ đường ống tại thông báo số 15/TB- BXD ngày 04/7/2014.

* Vậy nguyên nhân chính của sự cố là gì thưa Cục trưởng?

Nguyên nhân thứ nhất là nguyên nhân xoay quanh chất lượng đường ống không đồng đều, qua việc lấy mẫu thí nghiệm cũng như là đánh giá bằng cảm quan cho thấy bám dính của các lớp cấu tạo ống chưa tốt, về lâu dài dễ gây bong rộp, tách lớp ống, đây là nguyên nhân sâu xa về mặt chất lượng đường ống.

Nguyên nhân thứ 2 là trong quá trình vận chuyển, thi công, lắp đặt đã gây ra một số tác động bất lợi tới đường ống, làm giảm khả năng bám dính giữa các lớp vật liệu cấu tạo ống, lâu dài ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của ống trong khai thác sử dụng (ví dụ: ống bị xô lệch trong quá trình lắp đặt; gia tăng tải trọng tác động lên ống do thiếu một số tấm bê tông dàn tải tại hầm chui dân sinh; một số dị vật lẫn trong lớp cát đệm xung quanh ống có thể tác động bất lợi vào thành ống). Tất cả các nguyên nhân này đều dẫn đến hiện tượng là có xu hướng làm giảm khả năng kết dính giữa các lớp vật liệu cấu tạo ống và về lâu dài làm hỏng cục bộ đường ống.

Ngoài các nguyên nhân chính nêu trên, còn có một số nguyên nhân khác cũng ảnh hưởng tới khả năng chịu lực của tuyến ống như: ảnh hưởng của việc thi công xây dựng và vận hành khai thác tuyến đại lộ Thăng Long có tác động bất lợi lên đường ống; việc gia tăng tải trọng của các phương tiện giao thông tại các đường ngang, đường dân sinh trên tuyến ống; vật liệu composite cốt sợi thủy tinh có thể suy giảm một số chỉ tiêu cơ lý theo thời gian (trong khi không có kết quả thí nghiệm chứng minh độ bền lâu của vật liệu chế tạo ống)…

* Thưa Cục trưởng, trách nhiệm của các bên liên quan được xác định như thế nào?

Dự án đầu tư xây dựng tuyến ống truyền tải nước Sông Đà về Hà Nội được Thủ tướng chính phủ cho phép đầu tư xây dựng tại văn bản số 1285/CP-CN ngày 24/9/2003, Hội đồng quản trị Tổng công ty Vinaconex đã ban hành các quyết định phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt thiết kế kỹ thuật vào cuối năm 2003 và đầu năm 2004. Theo quy định của pháp luật đầu tư về xây dựng, thì việc tổ chức đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng thuộc về Chủ đầu tư – Tổng công ty Vinaconex và các nhà thầu có liên quan.

Tại thời điểm đó, Tổng công ty Vinaconex không còn là đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng và đã được cổ phần hóa, chuyển về cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thuộc Bộ Tài chính quản lý phần vốn nhà nước của doanh nghiệp này.

Ảnh minh họa - vov.vn


Cũng tại thời điểm này, công tác quản lý chất lượng chịu sự điều chỉnh của Nghị định 209 và theo quy định của Nghị định này thì toàn bộ các giai đoạn từ khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu do chủ đầu tư tổ chức quản lý chất lượng, không có quy định về việc cơ quan quản lý nhà nước tham gia trực tiếp trong quá trình kiểm soát chất lượng thiết kế cũng như chất lượng thi công, nghiệm thu. Cũng tại thời điểm trên, công trình này không thuộc danh mục công trình được Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng kiểm tra hay nghiệm thu. Trách nhiệm chung về quản lý nhà nước các công trình xây dựng trên địa bàn thuộc chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, cần phân biệt có hai trách nhiệm. Trách nhiệm thứ nhất là của nhà đầu tư cũng như của nhà thầu thiết kế, thi công, quản lý khai thác đối với công trình này. Trách nhiệm thứ hai của chính quyền địa phương trong việc đảm bảo việc cung cấp nước sạch cho người dân.

Đối với nhà đầu tư – Tổng công ty Vinaconex cũng như nhà thầu thiết kế, thi công, nhà sản xuất đường ống, công ty vận hành tuyến ống phải chịu trách nhiệm về chất lượng đường ống, trách nhiệm về sự cố xảy ra, trách nhiệm về việc vận hành đường ống, trách nhiệm khắc phục sự cố và cấp nước theo đúng sơ đồ thiết kế. Thứ hai là nhà đầu tư có trách nhiệm tiếp tục đầu tư tuyến ống giai đoạn 2 theo đúng quy hoạch của dự án này.

Về phía chính quyền địa phương là UBND TP Hà Nội cũng như Sở Xây dựng đã nhanh chóng vào cuộc, đưa ra các biện pháp hỗ trợ cấp nước cho các khu vực dân cư mất nước do tuyến ống bị sự cố cũng như các biện pháp phối hợp giữa các công ty cấp nước sạch để ứng cứu kịp thời. Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cũng đã có chỉ đạo, nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật và tài chính để hỗ trợ cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện đầu tư xây dựng tuyến ống số 2.

Được biết, trong trường hợp nhà đầu tư là Tổng công ty Vinaconex chậm trễ đầu tư tuyến ống số 2 thì UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo giao cho đơn vị khác chủ động thực hiện việc đầu tư, lắp đặt tuyến ống này.

* Theo ông có giải pháp gì khắc phục sự cố mất nước do vỡ đường ống để hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, nhất là trong những ngày hè nắng nóng?

Đường ống dẫn nước Sông Đà là tuyến ống độc đạo nên hiện nay vẫn phải cấp nước bằng tuyến hiện tại. Tuy nhiên, phải thừa nhận tuyến ống cũ vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sự cố tiếp diễn. Do đó, việc có thể làm được trước mắt và mang tính khả thi là tìm cách duy trì áp lực đường ống ở mức phù hợp so với thiết kế, tránh điều chỉnh áp lực tăng đột biến để tránh bị vỡ ống.

Trường hợp nếu phát hiện sự cố phải huy động toàn bộ lực lượng sửa chữa khắc phục ngay, chỉ khoảng 10 tiếng, thậm chí giảm bớt thời gian hơn nữa để tránh gây ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân. Về phía Hà Nội cũng cần điều phối các nguồn cấp nước khác để hỗ trợ kịp thời khi xảy ra sự cố tuyến ống phải dừng để sửa chữa.

*Xin trân trọng cảm ơn Cục trưởng!


Thu Hằng (thực hiện)
Lại vỡ đường ống nước sông Đà, 7 vạn hộ dân Thủ đô mất nước
Lại vỡ đường ống nước sông Đà, 7 vạn hộ dân Thủ đô mất nước

Vào khoảng 4 sáng nay, đường ống nước sông Đà tại km 15 đại lộ Thăng Long, thuộc địa bàn huyện Thạch Thất, Hà Nội lại bị sự cố. Đường ống phi 1600 bị rạn vỡ buộc phải ngừng cung cấp nước để khắc phục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN