Việt Nam có thể khai thác hiệu quả năng lượng mặt trời

Đánh giá về nguồn năng lượng mặt trời (NLMT), các chuyên gia tại Hội thảo “Năng lượng mặt trời – nguồn năng lượng của tương lai” cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển hệ thống sử dụng NLMT. Trong đó, hiệu quả nhất là sử dụng NLMT vào đun nước nóng. Tuy vậy, Việt Nam mới chỉ khai thác được 25% nguồn năng lượng tái tạo (trong đó có NLMT). Trong khi đó, khai thác nguồn năng lượng này để phục vụ đời sống sẽ mang lại nhiều hiệu quả kinh tế và góp phần giảm nhu cầu sử dụng nguồn điện.

Hệ thống công nghệ ứng dụng năng lượng mặt trời kết hợp vi sinh vào nuôi tôm công nghiệp. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN


Theo PGS TS Đặng Đình Thống - chuyên gia Viện Vật lý kỹ thuật – Đại học Bách Khoa Hà Nội, cả nước hiện có khoảng 2,5 triệu bình đun nước nóng bằng điện có công suất trong khoảng 2 đến 5 kWh, hàng năm tiêu tốn khoảng 3,6 tỷ kWh điện. Và nhu cầu sử dụng bình đun nước nóng sẽ tăng nhanh theo tốc độ phát triển đô thị hóa, dịch vụ và du lịch.

Tuy nhiên, cho đến nay, cả nước mới có khoảng 60 hệ thống đun nước nóng bằng NLMT tập thể được lắp đặt, phục vụ được cho khoảng 5.000 gia đình. Trong đó, khoảng 95% được lắp đặt sử dụng ở khu vực thành thị, 5% sử dụng nông thôn. Đối tượng lắp đặt và sử dụng chủ yếu là các hộ gia đình chiếm khoảng 99%, 1% còn lại cho các đối tượng khác như: nhà trẻ, trường mẫu giáo, trạm y tế, khách sạn, trường học, nhà hàng. Mỗi hệ thống đun nước nóng tập thể thường có diện tích từ 10 - 60 m2 có thể sản xuất từ 1 - 5 m3 nước có nhiệt độ trong khoảng 50 - 70°C hàng ngày. Các thiết bị đun nước nóng bằng NLMT cho gia đình có nhiều loại, diện tích từ 1 - 3 m2 có thể cung cấp 100 - 300 lít nước nóng có nhiệt độ từ 40 - 70°C.

GS TSKH Nguyễn Tiến Khiêm, nguyên Viện trưởng Viện Cơ học, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam cho biết, Việt Nam có lợi thế là một trong những nước nằm trong giải phân bổ ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong năm trên bản đồ bức xạ mặt trời của thế giới, với dải bờ biển dài hơn 3.000 km, ở nhiều đảo hiện có cư dân sinh sống nhưng không thể đưa điện lưới đến được thì NLMT có thể thay thế cho các dạng năng lượng truyền thống.

Tại Việt Nam, Viện Cơ học đã thí nghiệm trong điều kiện mây mù nhiều ngày liền vào mùa đông, các thiết bị NLMT vẫn làm việc tốt. Chỉ cần 1 ngày nắng khoảng 10 giờ thì đèn có thể thắp sáng cho 6 - 7 ngày mưa tiếp theo. “Hiện Viện Cơ học đang tìm các nguồn vốn hỗ trợ để chuyển giao công nghệ chế tạo loại pin mặt trời mới này vào Việt Nam, cụ thể là mong muốn xây dựng một nhà máy chế tạo pin mặt trời a - Si với công suất 6 MW/năm”, GS Khiêm cho biết.

Tuy nhiên, việc khai thác NLMT vào phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế ở Việt Nam còn hạn chế. PGS TS Đặng Đình Thống cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do giá thành đầu tư khai thác NLMT quá cao so với các nguồn năng lượng khác như gió, thủy điện, nhiệt điện. Ví dụ, giá thành sản xuất 1 KW điện của thủy điện chỉ mất chi phí từ 2.000 - 2.500 USD, nhiệt điện (than, dầu) từ 1.000 - 1.500 USD, trong khi đầu tư khai thác điện mặt trời phải mất từ 8.000 - 10.000 USD.

Việt Nam đặt mục tiêu vào năm 2030, sản xuất điện từ nguồn năng lượng sạch chiếm tỉ trọng 36%. Để mục tiêu này thành hiện thực, ngay từ bây giờ, Nhà nước cần có chiến lược, chính sách cụ thể để phát triển ngành năng lượng này. Trong đó, Nhà nước còn có các chính sách khuyến khích việc nghiên cứu, ứng dụng các nguồn năng lượng sạch vào phục vụ đời sống, phát triển kinh tế. Ví dụ việc phát triển hệ thống đun nước nóng bằng NLMT được coi là hữu ích thì cần đầu tư nghiên cứu, chính sách hỗ trợ cho sản xuất, ứng dụng thiết bị đun nước nóng bằng NLMT vào đời sống. Có chính sách khuyến khích, đưa vào lắp đặt trong các công trình xây dựng quy mô lớn.

Bảo Lâm

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN